Những vấn đề, sự kiện đang được dư luận quan tâm ở Việt Nam
Việt Nam và Trung Quốc vừa đánh dấu kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước (18/1/1950-18/1/2025). Trong những ngày cuối năm ngoái, quan hệ quân sự giữa Việt Nam và Trung Quốc có vẻ ngày càng hữu hảo. Từ 23 đến 26/12/2024, tại thành phố Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc), Hải quân Việt Nam và Chiến khu Nam Bộ của Quân đội Trung Quốc đã tổ chức Phiên họp thường niên lần thứ 17 về tuần tra liên hợp trên vùng biển vịnh Bắc Bộ.
Trong thời gian đó, theo báo chính thức của Việt Nam, ngày 24/12, lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam và Hải cảnh Trung Quốc đã tổ chức chuyến tuần tra chung lần thứ 4 năm 2024 trên khu vực biển phía Bắc Vịnh Bắc Bộ, nhằm "tăng cường phối hợp trong việc chống tội phạm và vi phạm pháp luật trên biển, đặc biệt là trong giai đoạn cuối năm". Tiếp đến, hai chiến hạm của Hải quân Trung Quốc đã cập cảng Tiên Sa ngày 28/12/2024, bắt đầu chuyến thăm thông thường (neo đậu kỹ thuật) tại thành phố Đà Nẵng đến 31/12.
Nhưng đáng chú ý hơn cả là vào đầu tháng 12, Trung Quốc và Việt Nam đã mở “đối thoại chiến lược 3+3” đầu tiên, một cơ chế chưa từng có trong ngoại giao của cả hai nước. Đối thoại song phương về quốc phòng, ngoại giao và an ninh công cộng đã được tổ chức ở cấp thứ trưởng ngay trước cuộc họp lần thứ 16 của Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương Trung Quốc-Việt Nam.
Theo nhận định của hai nhà nghiên cứu Ấn Độ Rahul Mishra và Harshit Prajapati trên trang Asia Times ngày 31/12/2024, cuộc đối thoại mới này "thể hiện mối lo ngại của hai nước láng giềng, vốn đang vướng sâu vào các tranh chấp lãnh thổ và tài nguyên ở quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa trong bối cảnh địa chiến lược toàn cầu ngày càng thay đổi".
Hà Nội đang lo ngại cuộc chiến thuế quan của Trump có thể chuyển trọng tâm từ Trung Quốc sang Việt Nam, bị nghi là điểm trung chuyển cho những hàng hóa thực sự do Trung Quốc sản xuất. Đồng thời Việt Nam cảnh giác với thái độ ngày càng quyết đoán của Trung Quốc ở Biển Đông. Về phần mình, Bắc Kinh đang tìm cách ngăn chặn các tranh chấp ở Biển Đông vượt khỏi tầm kiểm soát của mình và đang hướng tới mục tiêu vô hiệu hóa trước khả năng Hoa Kỳ khai thác tình hình.
Cũng theo hai tác giả nói trên, trái ngược với nhận định rằng đối thoại 3+3 cho thấy Việt Nam liên kết chặt chẽ hơn với Trung Quốc, những nhà quan sát dày dạn kinh nghiệm coi cơ chế này là phản ứng thực dụng của Hà Nội đối với các lợi ích chồng chéo hơn là sự thay đổi trong chính sách đối ngoại của Việt Nam. Chuyên gia về Việt Nam Carl Thayer đã mô tả chính xác đây là "kết quả tự nhiên", chứ không phải là dấu hiệu cho thấy Việt Nam đang dịch chuyển vào quỹ đạo của Trung Quốc. Đối thoại 3+3 rõ ràng nhằm mục đích ổn định quan hệ song phương,
Đây cũng là ý kiến của tiến sĩ Vũ Xuân Khang, hiện là học giả thỉnh giảng (visiting scholar) về quan hệ quốc tế tại đại học Boston College, Hoa Kỳ, khi trả lời phỏng vấn RFI ngày 17/01/2025:
"Cuộc họp theo hình thức 3+3 bao gồm đại diện từ bộ Ngoại Giao, bộ Quốc Phòng và bộ Công An. Lần đầu tiên hai nước Việt Nam Trung Quốc thực hiện đối thoại theo hình thức này. Đây là một chỉ dấu rõ ràng là hai nước vẫn coi nhau là đối tác ngoại giao ưu tiên. Đối thoại 3+3 cũng cho thấy cam kết giữa hai bên về hợp tác duy trì ổn định khu vực để tránh đối đầu quân sự, cũng như cam kết bảo vệ chế độ Cộng sản ở mỗi nước. Phải nói rõ là nếu có thay đổi chế độ ở Việt Nam hay Trung Quốc thì khả năng xung đột quân sự đều sẽ tăng cao. Việt Nam, Trung Quốc giữ được hòa bình khi hai nước giữ được ổn định chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Khi quan hệ ngoại giao Việt-Trung nồng ấm, sức ép của Trung Quốc trên Biển Đông đối với Việt Nam sẽ dịu xuống và ngược lại, khi quan hệ hai nước xấu đi, Trung Quốc sẽ ra tăng sức ép lên Việt Nam ở Biển Đông."
Ví dụ, vào ngày 02/10 năm ngoái, Việt Nam đã phản đối vụ Trung Quốc tấn công ngư dân Việt Nam gần quần đảo Hoàng Sa vào ngày 29/09, khiến họ bị thương nặng. Bộ Ngoại Giao Việt Nam đã mạnh mẽ cáo buộc lực lượng thực thi pháp luật Trung Quốc cướp bóc sản lượng đánh bắt và thiết bị của ngư dân Việt Nam. Trung Quốc đã phủ nhận các cáo buộc đó, khẳng định ngư dân Việt Nam đã "xâm nhập trái phép" vào vùng biển của Trung Quốc và họ đã có phản ứng "chuyên nghiệp và kiềm chế" và không gây ra thương tích.
Theo hai nhà nghiên cứu Ấn Độ Rahul Mishra và Harshit Prajapati trên trang Asia Times ngày 31/12/2024, các cuộc tấn công của Trung Quốc vào ngư dân Đông Nam Á “thể hiện một hình thức cưỡng ép nhẹ nhàng, với tiềm năng leo thang hạn chế, vì hành động này "liên quan đến thành phần dân sự, chứ không phải quân sự”. Các hành động của Trung Quốc chống lại các tàu cá Việt Nam phản ánh nỗ lực gây sức ép buộc Việt Nam duy trì chính sách đối ngoại trung lập, đồng thời nhằm mục đích gây chia rẽ giữa Hoa Kỳ và Việt Nam, nhưng không tác động trực tiếp đến các tranh chấp rộng lớn hơn.
Trong một bài viết đăng ngày 02/01/2025 trên trang mạng Fulcrum, chuyên phân tích về tình hình Đông Nam Á, nhà nghiên cứu Ian Storey, thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore, cũng dự báo qua hàng tựa: “ Biển Đông năm 2025: Còn hơn là như thế, có thể tồi tệ hơn”.
Theo ông Storey, căng thẳng giữa Trung Quốc với Philippines về Biển Đông sẽ vẫn gia tăng vào năm 2025 và có thể tăng cao hơn nữa, đặc biệt là nếu chính quyền Marcos Jr. chấp nhận đề nghị của Hoa Kỳ cung cấp tàu hộ tống hải quân cho các nhiệm vụ tiếp tế cho Bãi Cỏ Mây. Những điểm có thể gây ra tranh chấp gia tăng khác giữa Philippines và Trung Quốc bao gồm Bãi Sa Bin, nơi tuần duyên Philippines sử dụng làm điểm trung chuyển cho các nhiệm vụ tiếp tế và Bãi cạn Scarborough, nơi mà hải cảnh Trung Quốc không còn cho phép ngư dân Philippines vào.
Cũng theo nhà nghiên cứu Storey, một vấn đề cần theo dõi vào năm 2025 là liệu Trung Quốc có phản đối hoạt động bồi đắp đảo của Việt Nam tại quần đảo Trường Sa hay không. Diện tích mà Việt Nam bồi đắp hiện chiếm gần một nửa diện tích mà chính Trung Quốc đã cải tạo để xây dựng thành 7 đảo nhân tạo trong giai đoạn 2013-16. Nếu xây dựng đường băng trên các thực thể đó, Việt Nam sẽ có thể triển khai sức mạnh không quân xa hơn nhiều vào Biển Đông.
Ông Storey ghi nhận: "Cho đến nay, Trung Quốc vẫn giữ im lặng, ít ra là về mặt công khai, có thể là vì họ không muốn phá vỡ mối quan hệ chính trị với Việt Nam vốn đang phát triển khá thân thiện. Hoặc có thể là họ không muốn gây chiến với Việt Nam vào thời điểm đang phải tập trung đối phó với Philippines. Hoặc có thể là Việt Nam đã tránh được cơn thịnh nộ của Trung Quốc vì họ không phải là đồng minh của Hoa Kỳ. Thời gian sẽ trả lời liệu sự kiên nhẫn của Bắc Kinh với Hà Nội có kéo dài được lâu hay không".
Trả lời phỏng vấn RFI Việt ngữ ngày 17/01/2025, tiến sĩ Vũ Xuân Khang giải thích vì sao cho tới nay Trung Quốc chưa công khai phản đối Việt Nam về vấn đề này:
"Đây là một trong những điểm chính trong chính sách của Trung Quốc đối với Việt Nam. Trung Quốc ghi nhận các nỗ lực ngoại giao của Việt Nam nhằm trấn an Trung Quốc, bất chấp Hà Nội tăng cường quan hệ với Mỹ và Nga. Chính sự mềm mỏng, hòa dịu của Trung Quốc đối với Việt Nam về việc bồi đắp đảo trên Biển Đông là chỉ dấu cho thấy Trung Quốc cũng không muốn đi tìm một xung đột, hay không muốn đẩy Việt Nam vào phe của Mỹ hay các đồng minh của Mỹ.
Đây chính là một sự đáp lễ cho chính sách ngoại giao trung lập của Việt Nam. Trung Quốc cũng mong muốn giữ cho biên giới phía Nam của họ ổn định, nên cũng muốn quan hệ Việt-Trung được hòa hiếu và ổn định như hiện nay. Việc Trung Quốc đối xử với Philippines một cách cứng rắn trong khi với Việt Nam một cách mềm dẻo cũng là cách rất hiệu quả để Việt Nam thấy rằng nếu Việt Nam không thân Mỹ như Philippines, thì Trung Quốc sẽ không bắt nạt Việt Nam như với Philippines.
Rõ ràng, từ góc nhìn của Việt Nam, nâng cấp quan hệ quốc phòng với Mỹ chưa chắc đã đủ để bảo vệ Việt Nam khỏi Trung Quốc, nhưng nếu giữ cho quan hệ với Trung Quốc hòa hảo, thì Việt Nam có thể tăng cường bồi đắp đảo mà không quá lo về việc Trung Quốc trả đũa.
Vào cuối năm 2024, đã có những chỉ dấu là Trung Quốc lo ngại Việt Nam có thể cho Mỹ hay Nhật Bản sử dụng các đảo ở biển Đông nhằm kiềm chế Trung Quốc khi cần và các đảo bồi đắp của Việt Nam có thể giúp Hà Nội "bành trướng" trên biển.
Tuy nhiên, đây mới chỉ là quan điểm của các học giả Trung Quốc, chứ vẫn chưa có phát ngôn chính thống nào từ truyền thông nhà nước Trung Quốc. Có thể Trung Quốc muốn đánh tiếng cho Việt Nam một cách tế nhị là việc họ im lặng trước các hành động bồi đắp của Việt Nam không có nghĩa là họ đồng tình.
Tuy vậy, điểm mấu chốt vẫn là tình trạng tổng thể của quan hệ Việt-Trung hiện nay hữu hảo và ổn định. Chừng nào Việt Nam vẫn tiếp tục khẳng định Trung Quốc là ưu tiên ngoại giao cao nhất, hơn cả Mỹ và Nga, thì Trung Quốc sẽ duy trì chính sách hiện nay với Việt Nam, tức là sẽ không thúc ép Việt Nam hay gây áp lực lên Việt Nam quá lớn ở Biển Đông như là với Philippines.
Chính sách Việt Nam của Trung Quốc rất nhất quán: Trung Quốc muốn cho Việt Nam thấy rằng Việt Nam đi với Mỹ thì chưa chắc bảo vệ được chủ quyền ở Biển Đông, nhưng nếu Việt Nam hữu hảo với Trung Quốc thì Trung Quốc sẽ nhượng bộ Việt Nam ở Việt Nam, khác trường hợp giữa Trung Quốc với Philippines."
Việt Nam, Thái Lan, Indonesia và Malaysia là bốn nước ASEAN được mời tham gia thượng đỉnh BRICS tại Nga. Indonesia chính thức gia nhập BRICS với tư cách thành viên đầy đủ, theo thông báo ngày 06/01/2025 của Brazil - nước chủ tịch luân phiên 2025. Thái Lan và Malaysia « chính thức có tư cách quốc gia đối tác BRICS » từ ngày 01/01. Riêng Việt Nam không có tên trong danh sách 9 nước (*) phản hồi lời mời của BRICS, được Nga công bố ngày 23/12/2024.
Được thành lập năm 2009, BRICS hiện có 10 thành viên, trong đó có bốn sáng lập viên là Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc. Phát biểu tại thượng đỉnh BRICS mở rộng ngày 24/10/2024 tại Kazan, thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính nhấn mạnh « Việt Nam sẵn sàng hợp tác cùng BRICS và cộng đồng quốc tế để hiện thực hóa ý tưởng cùng xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn ».
Tuy nhiên, đến ngày 31/10, khi được hỏi về lời mời Việt Nam tham gia với tư cách là quốc gia đối tác, mở đường cho việc trở thành thành viên chính thức, phó phát ngôn viên bộ Ngoại giao Đoàn Khắc Việt, cho biết là « Việt Nam sẽ nghiên cứu những thông tin về cơ chế của BRICS. Việc Việt Nam tham gia vào các cơ chế hợp tác đa phương ở khu vực và quốc tế luôn được nghiên cứu và xem xét trên cơ sở phù hợp với lợi ích, điều kiện và khả năng của Việt Nam ».
Đến cuối năm 2024, Việt Nam đã không phản hồi lời mời theo thời hạn. Thông qua phát biểu của phó phát ngôn Đoàn Khắc Việt, nhà nghiên cứu Nguyễn Hồng Hải, ngành Chính sách đối ngoại & An ninh toàn cầu, Đại học Hoa Kỳ (American University), Washington D.C., nhận định với RFI Tiếng Việt ngày 09/01 là có hai yếu tố có thể giải thích cho việc Việt Nam không phản hồi lời mời trở thành quốc gia đối tác của BRICS : « Bản thân quy chế, mục tiêu, đối tác, đối tượng, mục đích hình thành nhóm và hoạt động của BRICS ; Vì lợi ích của Việt Nam ».
« Yếu tố thứ nhất về phía BRICS, chúng ta thấy BRICS vẫn chỉ là hoạt động với danh nghĩa như là một nhóm, một câu lạc bộ. Chúng ta không phủ nhận là cái nhóm, câu lạc bộ này đang trên đường tiến tới hoàn thiện thành một cơ chế đa phương chính thống hơn. Nhưng khi nào trở thành một cơ chế chính thống, một cơ chế đa phương thực sự thì chúng ta chưa rõ.
Thứ hai, những phát ngôn, chủ trương và nỗ lực hoạt động của những thành viên chủ chốt của nhóm này như Trung Quốc và Nga là thúc đẩy hoạt động của BRICS theo hướng chống lại Mỹ và phương Tây. Trên thực tế, đây là hai nước đang có đối đầu với Mỹ và phương Tây. Với một nhóm có chủ trương như vậy, việc Việt Nam tham gia là trái với chính sách đối ngoại tổng thể của Việt Nam - tôi nhấn mạnh là « chính sách tổng thể đối ngoại » của Việt Nam, đó là chưa xét đến vấn đề lợi ích.
Ngoài ra thì chúng ta thấy BRICS vẫn chỉ là một câu lạc bộ, đến để hô hào là chính và chỉ để phục vụ danh nghĩa và uy tín của một số nước lớn. Còn về hoạt động thực chất, cơ chế để bảo đảm hoạt động đem lại lợi ích kinh tế thực chất thì chưa có gì nhiều cả, ngoài “Ngân hàng Phát triển mới”. Kể từ khi BRICS chính thức ra đời năm 2009, tức là cách đây 15 năm, tại sao Trung Quốc và Nga lại không thúc đẩy để đưa nhóm này hoạt động như một tổ chức, chứ không chỉ thuần túy là một câu lạc bộ ?
Nếu nhìn vào cả quá trình hoạt động của BRICS từ năm 2009 cho đến nay, có thể thấy nhóm này chủ trương nâng tầm và mở rộng thành viên trong mấy năm trở lại đây (đặc biệt là từ khi Nga tiến hành xâm lược Ukraina và quan hệ Mỹ-Trung căng thẳng) khi có xung đột và đối đầu với Mỹ và phương Tây. Còn ở thời điểm quan hệ hai bên Nga-Mỹ, Trung Quốc-Mỹ ở trạng thái “cơm lành, canh ngọt”, BRICS đâu có rùm beng như hiện nay. Do vậy cũng cần phải xem xét động cơ của Nga và Trung Quốc, là hai nước lớn.
Đặc biệt tôi đề cập ở đây đến Nga và Trung Quốc, họ không mất gì cả khi lợi ích của BRICS có tồn tại hay không và thực tế thì họ chỉ có lợi. Dù BRICS có trực tiếp đối đầu hay là không đối đầu với Mỹ, với phương Tây thì họ vẫn có lợi. Tất nhiên bản thân Nga và Trung Quốc đều nhận thấy quan hệ hữu hảo với Mỹ và phương Tây thì vẫn có lợi hơn cho họ. Chúng ta thử nhìn vào quá trình trỗi dậy của Trung Quốc, sự phục hồi lại của Nga, sự giàu lên của hai nước này và vị thế của họ có được như ngày nay là nhờ đâu ? Rõ ràng là nhờ Mỹ và phương Tây.
Và yếu tố cuối cùng, đó là nhìn rộng và xa hơn chiến lược toàn cầu của Nga và Trung Quốc thì BRICS sẽ chỉ là một cơ chế phục vụ lợi ích của họ. Chúng ta biết người Nga hiểu rõ là Mỹ và phương Tây chẳng bao giờ thích gì họ. Điều này xuất phát từ lợi ích, từ vấn đề lịch sử phát triển và mở rộng lãnh thổ của Nga. Ông Putin, khi lên cầm quyền từ năm 1999, hiểu rõ nước Nga như thế nào trong quan hệ với phương Tây, với Mỹ. Đã có những lúc ông phải nhún nhường để hưởng lợi trong quan hệ giữa Mỹ và phương Tây. Nhưng khi đã cảm thấy đủ lực thì chúng ta thấy mối quan hệ giữa Nga-Mỹ và phương Tây đã như thế nào và như hiện nay.
Còn Trung Quốc, với những sáng kiến toàn cầu của ông Tập Cận Bình đưa ra, cũng đã thể hiện rõ tham vọng của Trung Quốc. Trong khi đó bản thân quan hệ giữa các thành viên trong BRICS hiện nay với nhau cũng rất phức tạp, lợi ích phụ thuộc lẫn nhau. Đó là những vấn đề từ khía cạnh của BRICS ».
Yếu tố thứ hai được nhà nghiên cứu Nguyễn Hồng Hải nhấn mạnh : đó chính là lợi ích của Việt Nam.
« Khi BRICS chưa hình thành các cơ chế và định chế chính thống để hoạt động của nhóm ổn định, thực chất và để nhóm này không hoạt động theo hướng tạo cực để đối đầu thì tôi thấy việc tham gia vào nhóm này không đem lại lợi ích gì về kinh tế cho Việt Nam. Trong khi đó, quan hệ kinh tế của Việt Nam với từng nước thành viên chủ chốt của nhóm này (Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, Brazil, Nam Phi và các nước khác) vẫn đang diễn ra tốt. Đó là chưa kể một số thành viên, đối tác của nhóm này lại tham gia những cơ chế đa phương khác mà Việt Nam cũng tham gia. Nói về lợi ích kinh tế chúng ta cũng đừng nhìn vào con số tổng hợp GDP của toàn khối hay là dân số của toàn khối BRICS bởi vì càng nhiều thành viên, càng nhiều nước tham gia thì con số tổng hợp phải tăng. Thế nhưng lợi ích thực chất là gì thì lại là một câu chuyện khác, phải đi tìm hiểu. Và trong quan hệ quốc tế, phải là như vậy.
Vấn đề thứ hai, đó là Việt Nam đặt mục tiêu trở thành quốc gia phát triển có thu nhập cao vào năm 2045 dựa vào công nghệ vượt trội. Và coi đó như là một cách để tránh bẫy thu nhập trung bình. Việt Nam đang nói là phải phát triển công nghệ bán dẫn, công nghệ AI, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh. Vậy thì công nghệ này ở đâu ra ? Nga và Trung Quốc có công nghệ mà Việt Nam cần không ? Và nếu có, liệu họ có chuyển giao hay hỗ trợ Việt Nam không ? Rõ ràng đây là bài toán về lợi ích mà Việt Nam cần phải tính toán khi tham gia một nhóm, câu lạc bộ với những thành viên đang đẩy mạnh vấn đề đối đầu với Mỹ.
Điểm thứ ba trong vấn đề về lợi ích của Việt Nam, đó là vị trí địa-chiến lược của Việt Nam. Đây vừa là mặt lợi nhưng cũng có thể là mặt bất lợi nếu như Việt Nam không xử lý khéo trong quan hệ quốc tế. Việt Nam nằm ở trung tâm khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và lại ngay sát Trung Quốc trong khi sự cạnh tranh giữa các nước lớn - giữa Mỹ và Trung Quốc, giữa Mỹ và Nga - ngày càng gia tăng.
Do đó nếu như Việt Nam không xử lý khéo thì dễ bị lợi dụng và cuốn vào cuộc cạnh tranh lợi ích của các nước, khi đó Việt Nam lại có thể trở thành một chiến địa của những lợi ích xung đột như đã từng xảy ra trong thế kỷ 20. Rõ ràng đây là bài học lịch sử và xương máu, nó đòi hỏi Việt Nam phải khôn khéo và tỉnh táo không thể bị vội vàng cuốn theo xu hướng hình thành nhóm, câu lạc bộ hoặc là mối liên kết nào đó. Đối với một quốc gia, dân tộc thì tầm nhìn chiến lược về lợi ích phải là trăm năm, chứ không thể chỉ xác định một hoặc hai thập kỷ được ».
Tổng thống Donald Trump trở lại Nhà Trắng ngày 20/01/2025 với những chính sách thương mại, đối ngoại được cho là sẽ cứng rắn hơn và khó đoán. Liệu trong 4 năm nhiệm kỳ của ông, Việt Nam sẽ có cân nhắc đến việc trở thành quốc gia đối tác của BRICS ? Nhà nghiên cứu Nguyễn Hồng Hải giải thích :
« Nói một cách thẳng thắn, vấn đề việc tham gia vào BRICS vẫn nằm trên bàn và để ngỏ. Tôi không nghĩ rằng Việt Nam cũng không dại gì mà nói « không » và cũng không dại gì vội vàng tham gia tại thời điểm này. Và nếu nói một cách sách vở và lý thuyết, việc Việt Nam có trở thành đối tác của BRICS hay không, điều này không phụ thuộc vào tổng thống Mỹ là ai, cho dù là Cộng Hòa hay là Dân Chủ. Trên thực tế, Mỹ cũng sẽ hiểu vị thế của Việt Nam là như thế nào, lập trường của Việt Nam là ra sao.
Đương nhiên về phía Việt Nam, Việt Nam phải cân nhắc và điều này phải phụ thuộc vào mối quan hệ của Mỹ với cả các nước thành viên của BRICS, giữa quan hệ Mỹ-Trung, quan hệ Mỹ-Nga. Như chúng ta đã nghe thấy ông Trump từng đe dọa rất công khai và mạnh mẽ rằng nếu như các nước BRICS muốn thoát ly đô la thì ông ấy sẽ áp đặt thuế 100%. Tức là các nước của BRICS sẽ phải quên Mỹ đi, không làm ăn gì với Mỹ nữa. Nếu trong bối cảnh đó, nó sẽ rất là phụ thuộc vào các thành viên chủ chốt của BRICS sẽ thúc đẩy BRICS đi đến đâu và đối đầu với Mỹ đi đâu. Vào thời điểm đó, đương nhiên Việt Nam sẽ phải theo dõi chặt chẽ sự phát triển mối quan hệ của BRICS với Mỹ và ngược lại, sẽ phải theo dõi chặt chẽ mối quan hệ đối ngoại giữa Mỹ và Trung Quốc, Mỹ và Nga trong thời gian tới.
Tôi nghĩ rằng câu trả lời sẽ phải phụ thuộc vào trong 6 tháng tới, xem chính quyền của ông Trump sẽ giải quyết các cuộc xung đột Nga và Ukraina như thế nào, rồi vấn đề áp đặt thuế, cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ tiến triển đến đâu. Tôi nghĩ điều đó sẽ giúp Việt Nam có câu trả lời rõ ràng hơn trong việc quyết định có đẩy mạnh việc tham gia làm đối tác với BRICS hay không ».
Chuyến công du Nga và dự thượng đỉnh BRICS tại Kazan của thử tướng Phạm Minh Chính được tiến sĩ Nguyễn Hồng Hải đánh giá là « phù hợp với hoạt động chính sách đối ngoại của Việt Nam », « không thể hiện thân Nga », nước đang gây chiến ở Ukraina vì thủ tướng Việt Nam tham dự « một hoạt động đa phương và có rất nhiều các nguyên thủ quốc gia khác ».
« Trong cuộc chiến giữa Nga và Ukraina, Việt Nam đã nói rõ lập trường và thể hiện lập trường đó như thế nào. Việt Nam đón ông Putin sang tháng 07/2024 nhưng sang tháng 09, khi tổng bí thư-chủ tịch nước Tô Lâm của Việt Nam đi New York dự hội nghị cấp cao của Liên Hiệp Quốc, ông ấy cũng đã có cuộc tiếp xúc và làm việc với tổng thống Ukraina. Rõ ràng là Việt Nam thể hiện lập trường trung lập, không đứng về phía bên nào. Và không có nghĩa là chuyến đi của ông Chính thể hiện Việt Nam đứng về phía Nga trong cuộc chiến đó.
Tôi nghĩ rằng cho đến nay, Mỹ vào các nước phương Tây đều đã hiểu rõ lập trường của Việt Nam. Tất nhiên, Mỹ và phương Tây mong muốn Việt Nam thể hiện rõ ràng hơn là sẽ phản đối Nga hay là ủng hộ Ukraina. Thế nhưng tôi không nghĩ rằng chính sách đối ngoại của Việt Nam sẽ thể hiện một cách rõ ràng là Việt Nam sẽ đứng về phe nào và Việt Nam cũng đã nói rõ là không chọn phe trong cuộc chiến này ».
****
(*) Gồm Belarus, Bolivia, Indonesia, Kazakhstan, Cuba, Malaysia, Thái Lan, Uganda và Uzbekistan.
Việt Nam đã là một trong những nước hưởng lợi lớn nhất từ cuộc chiến thương mại của Donald Trump với Trung Quốc trong nhiệm kỳ đầu của ông. Nhưng theo nhật báo Anh Financial Times 18/11/2024, các tổ chức doanh nghiệp và nhà phân tích đã cảnh báo Hà Nội có thể trở thành kẻ thua cuộc lớn nhất nếu tổng thống đắc cử thực hiện lời đe dọa về thuế quan khi ông trở lại Nhà Trắng. Nhưng mối lo ngại này thật sự có cơ sở? Hãy còn quá sớm để có câu trả lời xác đáng.
Việt Nam đã đạt được thặng dư thương mại lớn thứ tư với Hoa Kỳ trong những năm gần đây, chỉ sau Trung Quốc, Mêhicô và Liên Hiệp Châu Âu, do nhiều nhà sản xuất đã chuyển các nhà máy khỏi Trung Quốc để tránh tác động của thuế quan mà Trump áp đặt. Nhưng theo Finnacial Times, thành công theo kiểu "Trung Quốc+1" đó đã khiến Việt Nam rơi vào thế dễ bị tổn thương. Nền kinh tế của Việt Nam đã trở nên phụ thuộc rất nhiều vào Hoa Kỳ, hiện chiếm gần 30% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Theo dự báo, trong năm 2025, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ sẽ còn tăng thêm, dự kiến sẽ đạt khoảng từ 125 đến 130 tỷ đôla.
Nhưng thách đố lớn nhất đối với xuất khẩu của Việt Nam sẽ là thuế quan. Trump đã tuyên bố sẽ áp thuế 60% đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc và lên tới 20% đối với hàng hóa từ tất cả các quốc gia khác. Nhật báo Financial Times trích lời ông Marco Förster, giám đốc đặc trách ASEAN của hãng tư vấn đầu tư Dezan Shira & Associates tại Sài Gòn: "Việt Nam có thể sẽ bị giám sát chặt chẽ hơn, đặc biệt là đối với hàng quá cảnh qua Việt Nam để tránh thuế quan đối với Trung Quốc".
Hãng tin Anh Reuters ngày 06/12/2024 cũng đã trích dẫn các giám đốc điều hành và nhà phân tích trong ngành công nghiệp nhận định: “Việt Nam dễ trở thành mục tiêu tiếp theo của chính quyền Trump về thuế quan do thặng dư thương mại của nước này với Hoa Kỳ đang tăng vọt”. Dữ liệu thương mại của Hoa Kỳ được công bố ngày 05/12 cho thấy thâm hụt của nước này với Việt Nam đã đạt 102 tỷ đô la trong mười tháng đầu năm 2024, tăng gần 20% so với cùng kỳ năm 2023. Deborah Elms, người đứng đầu chính sách thương mại tại Quỹ Hinrich, trụ sở tại Châu Á, cho biết: "Đối với Trump, thước đo chính là thâm hụt thương mại và con số của Việt Nam là rất tệ. Việt Nam là ứng viên lý tưởng cho (Trump) hành động sớm, bởi vì nước này không thể dễ dàng trả đũa".
Cũng theo Reuters, tại một hội nghị do Phòng Thương mại Mỹ tổ chức ở Hà Nội, nhiều doanh nhân và đại diện hiệp hội thương mại đã bày tỏ lo ngại về khả năng Mỹ áp thuế đối với Việt Nam.
Một dấu hiệu khác cho thấy Việt Nam có thể phải đối mặt với thuế quan mới của Mỹ, đó là Trump đã chọn ông Peter Navarro làm cố vấn cấp cao về thương mại và sản xuất. Trong các đề xuất của Dự án 2025, một tài liệu được nhiều nhà hoạch định chính sách ở Washington coi là kế hoạch hành động của chính quyền Trump 2.0, Navarro đã nói rằng áp thuế quan đối với Việt Nam sẽ rất hiệu quả trong việc cắt giảm thâm hụt thương mại của Hoa Kỳ.
Hãng tin Reuters trích lời ông Nguyễn Mạnh Hùng, chuyên gia về các chuỗi cung ứng tại Đại học RMIT Việt Nam, nhắc lại: " Dưới thời chính quyền Trump, Navarro là một chuyên gia nổi tiếng chủ trương tăng quy mô ngành sản xuất của Mỹ, áp thuế quan cao và đưa về nước chuỗi cung ứng toàn cầu".
Thật ra hãy còn quá sớm để dự đoán mức thuế quan mà tân tổng thống Trump sẽ áp đặt đối với hàng xuất khẩu Việt Nam. Hơn nữa, một số mặt hàng xuất khẩu sang Hoa Kỳ dưới dạng thành phẩm (finished products) có thể sẽ không bị áp thuế quan mới. Trả lời RFI Việt ngữ ngày 03/01/2025, ông Francesco Trần Văn Liêng, Chủ tịch kiêm sáng lập viên Công ty cổ phần Ca cao Việt Nam VINACACAO, ghi nhận:
"Hiện nay đúng là có một sự lo ngại, nhưng chúng ta chưa biết chắc là Hoa Kỳ sẽ tăng bao nhiêu thuế: Hoa Kỳ tăng thuế theo kiểu chiến tranh mậu dịch hay tăng thuế theo kiểu ngăn cản hàng hóa trao đổi giữa hai quốc gia, hoặc như ông Trump nói, muốn đem job (việc làm) ở hải ngoại về Mỹ? Tuy nhiên, thứ nhất, tôi thấy đầu tư của Mỹ ở Việt Nam không nhiều, thứ hai là thuế quan sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến những mặt hàng là nguyên liệu sản xuất, ví dụ như sắt thép. Hoặc là nếu theo sự điều tra của Mỹ mà thấy rằng Trung Quốc đưa hàng sang Việt Nam nhằm lấy lại chứng thư xuất xứ (Certificate of Origin - C/O) để xuất khẩu qua Mỹ với tư cách hàng Việt Nam, thì rõ ràng là chính phủ Mỹ sẽ nhắm vào những hàng hóa đó.
Nếu như hàng Trung Quốc bị tăng thuế cho nên phải đưa sang Việt Nam để thay đổi nguồn gốc, thì ở Việt Nam cũng có luật về xuất xứ, có nghĩa là hàm lượng chế biến từ Việt Nam chiếm bao nhiêu phần trăm thì mới được coi là xuất xứ từ Việt Nam. Cho nên tôi nghĩ là còn nhiều ẩn số mà câu trả lời chưa xác đáng.
Nhưng đối với những mặt hàng chế biến đã là thành phẩm xuất khẩu sang Hoa Kỳ thì có thể là không sợ bị áp thuế, do giá tốt, hoặc là do mình chỉ bán cho cộng đồng người Việt, hoặc do đó là những mặt hàng mà doanh nghiệp Mỹ không sản xuất được. Bằng chứng là nhiều hãng cà phê của Việt Nam đã có mặt ở Hoa Kỳ. Tóm lại, tùy theo mặt hàng mà việc tăng thuế có tác động gây phương hại nhiều hay ít.
Chính vì vậy là những doanh nghiệp như VINACACAO hiện giờ cảm thấy an tâm theo lời ông Francesco Trần Văn Liêng:
"Chúng tôi bán thành phẩm, tức là tới tay người tiêu dùng không phải là dưới dạng nguyên liệu, cho nên giá cả của chúng tôi cũng là giá cả ở mức độ phổ quát và dư địa cạnh tranh của chúng tôi còn nhiều đối với các mặt hàng ngoại quốc hay đối với ngay cả các mặt hàng nội địa của Hoa Kỳ. Ví dụ hàng của VINACACAO bán trên Amazon. Amazon là một nền tảng phổ quát, cho nên có thể chúng tôi phải lo ngại, nhưng cho đến bây giờ thì số liệu cụ thể chưa có và cũng có thể là không tăng thuế. Tôi nghĩ là thuế quan hiện nay không trực tiếp vào giá thành riêng đối với mặt hàng thành phẩm. Còn các mặt hàng nguyên liệu thì sẽ bị ảnh hưởng. Chỉ cần 2, 3 hay 5% tăng thuế thì cũng đủ làm cho giá cả của mặt hàng nguyên liệu này mất tính cạnh tranh. Cho nên VINACACAO cảm thấy tương đối an tâm, vì hàng của mình là thành phẩm"
Theo chuyên gia Nguyễn Mạnh Hùng, với gần một phần ba lượng hàng xuất khẩu của Việt Nam hiện nay là sang Hoa Kỳ, Hà Nội sẽ cần cải thiện khả năng truy xuất nguồn gốc hàng hóa và linh kiện để xua tan lo ngại về khả năng Việt Nam chỉ được sử dụng làm nơi lắp ráp cho các sản phẩm sản xuất tại Trung Quốc. Về điểm này, ông Francesco Trần Văn Liêng ghi nhận:
" Việt Nam có luật về xuất xứ, có nghĩa là hàm lượng sản xuất tại Việt Nam phải chiếm X,Y,Z% thì mới được cấp Certificate of Origin - C/O. Luật này đã được thi hành từ vài chục năm rồi, thành ra việc đội lốt hàng nước ngoài để lấy origin Việt Nam thì tôi nghĩ là rất khó chứ không phải dễ. Nếu chuyện đó xảy ra thì cũng dễ tìm ra nguồn gốc thôi. Ví dụ như anh đem một tấn thép từ Trung Quốc sang Việt Nam rồi xuất khẩu thì quá lộ liễu, nhưng nếu anh dùng thép đó để sản xuất ra một cái thau, một cái muỗng, một cái chén.
Hiện nay Mêhicô cũng làm như vậy. Kim ngạch xuất khẩu của Mêhicô sang Mỹ bình thường là 45 tỷ/năm tự nhiên tăng vọt lên đến gần 450 tỷ đôla. Dọc theo biên giới Mỹ có khá nhiều khu công nghiệp. Tại đây, Trung Quốc nay chế biến ra thành phẩm chứ không còn đưa vào Mêhicô nguyên liệu để xuất khẩu sang Mỹ."
Việt Nam có thể bù đắp một phần thặng dư thương mại lớn của mình bằng cách tăng nhập khẩu từ Hoa Kỳ, bao gồm cả khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG), dược phẩm và máy bay. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ liệu chính quyền Việt Nam có ủng hộ các biện pháp đó hay không và các biện pháp đó có thể có tầm mức như thế nào. Deborah Elms, người đứng đầu chính sách thương mại tại Quỹ Hinrich , nhấn mạnh: "Tôi không nghĩ Việt Nam có thể mua nhanh và đủ để giảm đáng kể thặng dư của mình.”
Financial Times trích lời ông Peter Mumford, giám đốc khu vực Đông Nam Á của Eurasia Group: "Thách thức lớn hơn là nền kinh tế tương đối nhỏ của Việt Nam chỉ có thể tăng nhập khẩu từ Hoa Kỳ. Về mặt FDI, Hà Nội có thể thúc đẩy đầu tư khiêm tốn vào Hoa Kỳ, nhưng điều này sẽ không làm giảm bớt mối quan ngại về thương mại của Washington".
Các doanh nghiệp ngoại quốc tại Việt Nam cũng đang chờ xem chính sách thuế quan của Trump đối với Việt Nam sẽ như thế nào. Theo Financial Times, ông Hong Sun, chủ tịch Phòng Thương mại Hàn Quốc tại Việt Nam, cho biết: "Một số doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam lo ngại về khả năng áp thuế từ chính quyền Trump mới". Hàn Quốc từ lâu đã là một trong những nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài hàng đầu của Việt Nam. Riêng tập đoàn điện tử Samsung là nhà đầu tư lớn nhất tại quốc gia này. Nếu Washington áp thuế đối với hàng hóa Việt Nam, các công ty Hàn Quốc có thể trì hoãn hoặc giảm đầu tư và sản xuất tại quốc gia này.
Tương tự như các nhà đầu tư Hàn Quốc, các nhà cung cấp công nghệ Đài Loan đã xây dựng năng lực sản xuất tại Việt Nam như một phần trong chiến lược đa dạng hóa chuỗi cung ứng, nhưng họ cũng đang buộc phải tính đến việc chuyển sang phương án "Việt Nam + 1" trước khi ông Donald Trump trở lại làm tổng thống Hoa Kỳ.
Tờ báo Nhật Bản Nikkei Asia, trích lời ông James Huang, chủ tịch Hội đồng Phát triển Ngoại thương Đài Loan (TAITRA), tại cuộc họp báo cuối năm của Hội đồng: "Tôi đã nói chuyện với nhiều giám đốc điều hành của các công ty lớn sau cuộc bầu cử Mỹ và họ nói với tôi rằng sau các yêu cầu 'Trung Quốc + 1' và 'Đài Loan + 1' trong nhiều năm qua, giờ đây họ được yêu cầu chuẩn bị cho kịch bản 'Việt Nam + 1' dưới thời Trump 2.0".
Phương án "Trung Quốc + 1" và "Đài Loan + 1" có nghĩa là các nhà cung cấp xây dựng năng lực sản xuất bên ngoài hai trung tâm này để giảm thiểu rủi ro địa chính trị phát sinh từ căng thẳng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc cũng như căng thẳng ở vùng eo biển Đài Loan. Nhưng theo dự báo của ông James Huang, chính sách thương mại của Mỹ “sẽ thay đổi khi Trump trở lại Nhà Trắng, đặc biệt là khi thặng dư thương mại của Việt Nam với Hoa Kỳ đang tăng lên". Cho nên rất có thể các nhà đầu tư Đài Loan sẽ phải chuyển một phần cơ sở sản xuất từ Việt Nam sang một nước khác.
Năm 2024 là một năm thành công về kinh tế và tăng trưởng cho Việt Nam, tăng trưởng GDP được ngân hàng HSBC dự báo 7%. Việt Nam muốn trở thành miền đất hứa cho các đại tập đoàn công nghệ. Tuy nhiên, những xáo trộn trên thượng tầng lãnh đạo, cùng với những đại án tham nhũng cũng gây không ít quan ngại cho các nhà đầu tư nước ngoài, dù Hà Nội luôn khẳng định về sự ổn định chính trị và nghiêm trị tham nhũng, được coi là “có hệ thống” ở Việt Nam.
RFI Tiếng Việt điểm lại một số sự kiện quan trọng trong năm 2024 tại Việt Nam với phần nhận định của một số chuyên gia khách mời.
Ngày 20/03/2024, ông Võ Văn Thưởng là chủ tịch nước thứ hai của Việt Nam phải từ chức trong vòng hơn một năm. Giám đốc nghiên cứu Benoît de Tréglodé, Viện Nghiên cứu Chiến lược của Trường Quân sự Pháp (IRSEM), khi trả lời RFI Tiếng Việt ngày 21/03, nhận định : “(…) Nếu kể cả người được ông Trọng bảo vệ cũng “ngã ngựa”, có nghĩa là ông Trọng không còn mạnh như trước, cho nên các đối thủ của ông tự cho phép đánh bật ông Võ Văn Thưởng, trong khi trước đó, đích thân ông Trọng đã can thiệp vào bộ máy Nhà nước để bảo vệ ông Võ Văn Thưởng vì một vài rắc rối liên quan đến gia đình (…)”.
Ông Tô Lâm, bộ trưởng Công An lúc đó, đã làm đúng chỉ đạo của tổng bí thư Trọng không để “con sâu làm rầu nồi canh”. Nhưng công cuộc “đốt lò” cũng giúp làm tăng quyền lực cá nhân của ông. Hai tháng sau, ngày 02/05, ông Vương Đình Huệ bị miễn nhiệm chức chủ tịch Quốc Hội. Đến ngày 22/05, ông Tô Lâm được bầu làm chủ tịch nước. Theo nhiều nhà quan sát quốc tế, chiếc ghế, dù bị coi “có dớp”, chỉ là bàn đạp để ông Tô Lâm tiến đến chức vụ cao nhất - tổng bí thư đảng Cộng Sản Việt Nam do tình hình sức khỏe của ông Trọng không được tốt. Chiều 19/07, tổng bí thư Trọng qua đời tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.
Và người trực tiếp “đốt lò” kiêm luôn hai chức vụ cao nhất Việt Nam : tổng bí thư - chủ tịch nước. Tính toán này đã có từ lâu, theo nhận định ngày 19/07 của chuyên gia Benoît de Tréglodé : “(…) Trước tiên phải nhớ rằng ông Tô Lâm suy ngẫm đến việc này từ nhiều năm nay. Ý thức rõ về vị trí bộ trưởng Công An của mình, ông đã chiếm được vị trí trung tâm chiến lược trong bộ máy Nhà nước. Cũng đừng quên rằng công an luôn là một yếu tố an ninh vô cùng quan trọng trong việc bảo vệ chế độ từ bên trong trước những chuyển biến chung của thời đại và xã hội. Nhờ vị trí chiến lược đó mà ngay từ đầu, ông Tô Lâm đã là một ứng cử viên có tiềm năng lớn để thay thế ông Nguyễn Phú Trọng (…)”.
Khi tiếp tục di sản của người tiền nhiệm Nguyễn Phú Trọng, ông Tô Lâm có một số lợi thế, theo quan sát của nhà nghiên cứu Lê Hồng Hiệp, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore : “(…) Bản thân người kế nhiệm cũng sẽ có những lợi ích trong việc duy trì cuộc chiến chống tham nhũng này, cụ thể là có thể tiếp tục sử dụng nó như một công cụ hiệu quả để kiểm soát nội bộ và có thể hướng tới kiểm soát các đối thủ chính trị, thông qua việc thanh trừng những người có thể gây nguy cơ đối với quyền lực của họ. Cuộc chiến chống tham nhũng này vẫn sẽ tiếp tục dưới thời lãnh đạo mới. Vấn đề đặt ra là cách thức tiến hành của họ sẽ như thế nào, quy mô, cũng như cường độ của cuộc chiến sẽ ra sao (…)”.
Ngoài các vụ “đánh chuột nhưng không làm vỡ bình” trên thượng tầng lãnh đạo Nhà nước, như vụ “chuyến bay giải cứu” đang xét xử giai đoạn 2 và đại án Việt Á khiến 2 cựu bộ trưởng vào tù và ông Nguyễn Xuân Phúc phải từ chức chủ tịch nước trước đó, còn phải nhắc đến đại án Vạn Thịnh Phát và ngân hàng SCB liên quan đến các tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “Rửa tiền”, “Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới”. Đầu tháng 12, tòa phúc thẩm đã y án tử hình được tuyên vào tháng 04 đối với bà Trương Mỹ Lan vì biển thủ 12 tỷ đô la - số tiền tương đương khoảng 3% toàn bộ nền kinh tế Việt Nam. Theo trang CNN ngày 06/12, “quy mô của vụ gian lận đã làm lung lay niềm tin vào một nền kinh tế hy vọng sẽ thu hút các nhà đầu tư nước ngoài rút khỏi các đối thủ cạnh tranh, như nước láng giềng Trung Quốc” do những căng thẳng thương mại có thể còn gia tăng dưới nhiệm kỳ hai của tổng thống Mỹ Donald Trump.
Tuy nhiên, về đối ngoại, quyền lực cá nhân tân tổng bí thư không làm thay đổi “ngoại giao cây tre”. Trả lời RFI Tiếng Việt tháng 08, nghiên cứu sinh Vũ Khang, chuyên về an ninh Đông Á, Trường đại học Boston (Boston Collegue, Mỹ), đưa ra hai lý do :
“(…) Thứ nhất, ngoại giao Việt Nam từ xưa đến nay, mục tiêu đầu tiên vẫn là kiềm chế và trấn an được Trung Quốc. Quan hệ Việt Nam với Trung Quốc vẫn đang ổn định nên Việt Nam không có nhu cầu để phải có những thay đổi lớn trong ngoại giao (…) Lý do thứ hai, chính sách đối ngoại của Việt Nam từ xưa đến nay vẫn do Bộ Chính Trị quyết định chứ không phải là do một cá nhân, bất kể cá nhân đấy có là tổng bí thư hay là chủ tịch nước đi chăng nữa (…) Cho nên, chừng nào các thành viên còn lại trong Bộ Chính Trị không muốn thay đổi đường lối chính sách “ngoại giao cây tre” hiện giờ thì việc thay đổi nhà lãnh đạo cấp cao nhất là tổng bí thư cũng sẽ không có tác động lớn đối với đường lối chính sách đối ngoại của Việt Nam (…)”.
Chỉ trong 6 tháng ngắn ngủi giữ chức chủ tịch nước (22/05 - 21/10/2024), ông Tô Lâm công du 8 nước (1), dự Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc tại New York (Mỹ), hội nghị cấp cao Pháp ngữ tại Pháp và trong chuyến công du này, ngày 07/10, hai nước đã nâng cấp quan hệ. Pháp trở thành nước thứ 8 trên thế giới (2) - sau Úc là nước thứ 7 vào đầu năm - và là quốc gia đầu tiên trong Liên Hiệp Châu Âu thiết lập hợp tác Đối tác chiến lược toàn diện với Việt Nam. Trước đó, nhân kỉ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ với khách mời là bộ trưởng Quân Lực Pháp Sébastien Lecornu, hai nước đã nhất trí “khép lại quá khứ, hướng đến tương lai”.
Nhìn vào lựa chọn 8 đối tác chiến lược toàn diện, có thể thấy chủ trương của Việt Nam là đa dạng hóa đối tác, đặc biệt là về quân sự, để tránh bị phụ thuộc và giữ thế cân bằng. Ngoài ra, còn có yếu tố kinh tế, theo giải thích của nhà nghiên cứu Zachary M. Abuza, Trường National College War, Mỹ, với RFI Tiếng Việt ngày 21/10 :
“Nếu nhìn vào các đối tác chiến lược toàn diện mà Việt Nam đã thiết lập, tất cả đều là các đối tác kinh tế lớn. Đây luôn là tôn chỉ của Việt Nam trong chính sách ngoại giao. Hà Nội đang nỗ lực để trở thành một nước phát triển, hoặc ít nhất là trong nhóm nước có thu nhập cao từ nay đến 2045. Do vậy, nâng cấp quan hệ với Pháp là một lựa chọn quan trọng cho Việt Nam (…). Paris có một trang sử dài với Hà Nội và Việt Nam đã đấu tranh trong nhiều năm để giành lại độc lập từ Pháp. Do vậy, tôi nghĩ rằng, về mặt biểu tượng, đó là điều quan trọng để Pháp trở thành nước châu Âu đầu tiên mà Việt Nam thiết lập quan hệ này (…)”.
Còn nhà nghiên cứu Pháp Laurent Gédeon cho rằng Việt Nam cũng trông cậy vào ủng hộ của Pháp về lập trường đối với Biển Đông :“Điều đáng chú ý trong tuyên bố chung ngày 07/10 là việc Pháp nhắc đến việc hỗ trợ nguồn lực quân sự cho Hà Nội, đặc biệt là lực lượng cảnh sát biển. Và điều này phù hợp với mong muốn của Việt Nam trong việc tăng cường năng lực làm chủ, kiểm soát không gian biển, trong bối cảnh tranh chấp với Trung Quốc (…) Theo tôi, Pháp quan tâm về việc liệu Việt Nam có đủ phương tiện để tự vệ, và khả năng đối phó với xâm lược quân sự nếu cần thiết. Trung Quốc cũng đang lưu ý đến điều này. Nhưng phải nhắc lại rằng Việt Nam cũng duy trì quan hệ đối tác chiến lược với Trung Quốc, trong đó có hợp tác quân sự, bất chấp những sóng gió giữa hai bên”.
Việt Nam đã tổ chức thành công Triển lãm Quốc phòng Quốc tế lần thứ hai (từ 11-22/12/2024) và ký 16 hợp đồng trị giá hơn 286 triệu đô la với các đối tác nước ngoài, trong khi theo báo cáo ngày 11/03/2024 của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế (SIPRI), Việt Nam gần như không mua sắm vũ khí trong năm 2023.
Nghiên cứu sinh Nguyễn Thế Phương, chuyên về an ninh hàng hải và các vấn đề hải quân, Đại học New South Wales, Canberra, Úc, nhận định : “Hoạt động triển lãm sẽ giúp cho Việt Nam tiếp cận được các nhà thầu quốc phòng nước ngoài quan trọng, nhằm đẩy mạnh quá trình hiện đại hóa quân đội (…). Điểm này cũng nằm trong chính sách được tiến hành từ 5, 6 năm trở lại đây, bởi vì chiến tranh Nga-Ukraina, rồi những vấn đề về tranh chấp, xung đột khắp thế giới cho thấy một trong những điều cốt lõi nhất để có thể giúp cho Việt Nam và quân đội Việt Nam giữ vững được năng lực bảo vệ chủ quyền, đó là tự chủ, hoặc theo một số người nói là “tự chủ chiến lược”(…)”.
Tự chủ là yếu tố quan trọng trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo trong khi Trung Quốc đòi độc chiếm hầu hết Biển Đông. Việt Nam cũng áp dụng cách tiếp cận như của Trung Quốc, “mở rộng sự hiện diện quân sự thông qua các sáng kiến xây dựng đảo chiến lược để củng cố yêu sách lãnh thổ trong khu vực”, theo nhận định của trang Asia Media Centre ngày 24/10. Báo cáo của Viện Nghiên cứu Minh bạch Hàng hải châu Á - AMTI, công bố ngày 07/06, dự báo năm 2024 sẽ là năm bồi đắp đảo kỷ lục của Việt Nam ở quần đảo Trường Sa, với diện tích đất được bồi đắp gần bằng tổng hai năm trước đó.
Tuy nhiên, Trung Quốc cho tới nay vẫn im lặng về các hoạt động của Việt Nam, trái ngược với thái độ hung hăng với Philippines. Nhà nghiên cứu Hoàng Việt giải thích :
“Thứ nhất, Trung Quốc không phản đối bởi vì Trung Quốc mới là xây nhiều. Việt Nam chắc là không bao giờ theo kịp Trung Quốc trong việc tôn tạo các thực thể trên Biển Đông. Trung Quốc còn quân sự hóa các đảo đó, biến thành những tiền đồn. Việt Nam thì chắc là sẽ không có các tiền đồn (…). Thứ hai, có lẽ Việt Nam cũng khéo léo chọn thời điểm mà Trung Quốc cũng đang muốn thúc đẩy quan hệ với Việt Nam và Việt Nam cũng đang cố gắng giữ quan hệ với Trung Quốc ở mức tốt đẹp để phía Trung Quốc không có phản ứng nhiều trong trường hợp này”.
Đây cũng là quan điểm của giáo sư Huỳnh Tam Sang, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, được báo mạng Hồng Kông SCMP trích dẫn ngày 22/12. Việt Nam vẫn cần thể hiện với Trung Quốc về tính chất “đặc biệt” và “duy nhất” trong mối quan hệ song phương, dấu hiệu mới nhất là “nỗ lực tiên phong”, theo đánh giá của Global Times khi đưa thêm vế an ninh nội địa để biến thành đối thoại “3+3” (ngoại giao, quốc phòng, an ninh nội địa).
****
(1) Lào, Cam Bốt (11-13/07), Trung Quốc (18-20/08), Mỹ, Cuba (21/09-27/09), Mông Cổ, Ireland, Pháp (30/09-07/10)
(2) Trung Quốc (2008), Nga (2012), Ấn Độ (2016) Hàn Quốc (2022), Hoa Kỳ (2023), Nhật Bản (2023), Úc (2024).
Việt Nam chi khoảng 120 tỷ đồng, từ nguồn tài trợ và từ nguồn tài chính xã hội hóa, để tổ chức Triển lãm quốc phòng quốc tế lần thứ hai (19-22/12/2024). Đây là cơ hội để Việt Nam “chứng minh nền công nghiệp quốc phòng tự lực, tự chủ, tự cường, song vẫn sẵn sàng hợp tác với các nước có nền công nghiệp quốc phòng tiên tiến để học hỏi”, đặc biệt là những khách mời quan trọng như Mỹ, Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, Israel, Pháp, Anh, Tây Ban Nha.
Việc tổ chức triển lãm quốc phòng là một thay đổi lớn trong quân đội Việt Nam, thường vẫn khá bí mật. Triển lãm quốc phòng quốc tế lần này có ý nghĩa và tầm quan trọng như thế nào đối với quân đội Việt Nam ? Nghiên cứu sinh Nguyễn Thế Phương, chuyên về an ninh hàng hải và các vấn đề hải quân, Đại học New South Wales, Canberra, Úc, trả lời phỏng vấn RFI Tiếng Việt.
Nguyễn Thế Phương : Sự kiện này sẽ mang hai hàm ý. Thứ nhất là gửi thông điệp tới trong nước rằng Quân đội Việt Nam có đủ khả năng và đủ sức mạnh để có thể bảo vệ lợi ích và chủ quyền của Việt Nam ở trên biển cũng như trên bộ. Đây là thông điệp rõ ràng và là thông điệp quan trọng nhất mà thông qua cuộc triển lãm lần này, có thể đưa ra.
Thứ hai là với nước ngoài. Ở đây có một điểm là từ trước đến nay, truyền thống Quân đội Việt Nam là khá bí mật, bí mật trong cả quá trình phát triển, trưởng thành, đặc biệt hơn là bí mật trong quá trình phát triển vũ khí. Khoảng 5 đến 10 năm trở lại đây, sau một số cuộc thảo luận nội bộ, có vẻ như đảng và quân đội nhất trí rằng, thông qua triển lãm quốc phòng, quân đội sẽ có thể giới thiệu một số năng lực cho nước ngoài biết và từ đó sẽ gia tăng khả năng tạo dựng hình ảnh, cũng như gia tăng khả năng chống chịu trước những sức ép từ bên ngoài, mà thuật ngữ chuyên môn gọi là “khả năng răn đe”.
Điểm thứ ba là hoạt động triển lãm sẽ giúp cho Việt Nam tiếp cận được các nhà thầu quốc phòng nước ngoài quan trọng, nhằm đẩy mạnh quá trình hiện đại hóa quân đội theo hướng tăng cường mối quan hệ giữa quân đội và ngành công nghiệp quốc phòng Việt Nam với ngành công nghiệp quốc phòng của các quốc gia mà Việt Nam đang có mối quan hệ rất tốt. Điểm này cũng nằm trong chính sách được tiến hành từ 5, 6 năm trở lại đây, bởi vì chiến tranh Nga-Ukraina, rồi những vấn đề về tranh chấp, xung đột khắp thế giới cho thấy một trong những cái cốt lõi nhất để có thể giúp cho Việt Nam và quân đội Việt Nam giữ vững được năng lực bảo vệ chủ quyền, đó là tự chủ, hoặc theo một số người nói là “tự chủ chiến lược”.
Việt Nam kỳ vọng gì ? Nếu thông qua những gì đã được công khai, rõ ràng triển lãm quốc phòng lần thứ 2 này có quy mô lớn hơn rất nhiều so với triển lãm quốc phòng lần thứ nhất. Nếu nhìn vào các quốc gia tham gia triển lãm quốc phòng, có thể thấy là hầu như tất cả các nền công nghiệp quốc phòng lớn đều có mặt, đặc biệt hơn là những nền công nghiệp quốc phòng có vẻ như đang đối đầu nhau, ví dụ Nga - Mỹ, Iran - Israel đều tham dự. Điều đó giúp cho Việt Nam mở rộng không gian tương tác với các nền công nghiệp quốc phòng khác nhau, qua đó học hỏi kinh nghiệm từ họ, đặc biệt là từ những nền công nghiệp quốc phòng có tính tự chủ cao, học hỏi thêm một số công nghệ quốc phòng mà từ trước tới nay Việt Nam chưa tiếp cận được, cũng như mở rộng mối quan hệ để có thể thúc đẩy hơn hợp tác về công nghiệp quốc phòng trong tương lai.
Ngoài ra, cũng hoàn toàn có khả năng là trong triển lãm lần này, sẽ có một số hợp đồng quốc phòng giữa Việt Nam và các nước được công bố. Chưa biết cụ thể là như thế nào, nhưng khả năng đó cũng rất là cao.
Nguyễn Thế Phương : Thực ra, ở thời điểm hiện tại, rất khó nêu ra cụ thể những hợp đồng đó là gì, nhưng chắc chắn nó sẽ liên quan tới quá trình hiện đại hóa quân đội, theo đó Việt Nam có thể mua thêm một số vũ khí, khí tài, ví dụ liên quan tới không quân và một số loại công nghệ và vũ khí, khí tài liên quan tới lục quân. Không hẳn là Việt Nam sẽ mua một vũ khí mới hoàn toàn, nguyên chiếc, mà có thể là những hợp đồng mang tính chuyển giao công nghệ, hoặc những cái tạm gọi là MOU - ý định thư hoặc nghị định thư - mà Việt Nam tham gia vào việc chế tạo một số bộ phận của các loại vũ khí nào đó. Đây cũng là những điểm cần nhắc tới, bởi vì, như đã nói, mục tiêu là cải thiện năng lực của ngành công nghiệp quốc phòng nội địa và sẽ phải liên quan tới một số loại công nghệ lõi và công nghệ nguồn.
Thông qua triển lãm lần này và có thể là một số hoạt động hợp tác song phương và đa phương giữa Việt Nam và các đối tác khác, vấn đề chuyển giao công nghệ lõi, công nghệ nguồn, hoặc là Việt Nam tiếp cận một phần nào đó thông qua chuỗi sản xuất vũ khí, sẽ giúp cải thiện năng lực chế tạo của Việt Nam, bên cạnh việc Việt Nam có thể mua một số loại vũ khí hiện đại. Nhưng chủ yếu vẫn tập trung vào những quân chủng, binh chủng mà Việt Nam mong muốn tiến thẳng lên hiện đại, ở đây sẽ có hải quân và không quân. Ngoài ra sẽ có một số MOU có thể liên quan tới những lực lượng khác, ví dụ tác chiến điện tử, hoặc là tình báo tín hiệu hoặc những vấn đề tương tự.
Nguyễn Thế Phương : Theo một số thông tin gần đây, Việt Nam xuất khẩu một vài thứ khá đơn giản, ví dụ đạn dược, một số cấu phần của súng cho bộ binh và thuốc nổ. Hiện nay, vấn đề quan trọng nhất của một nền công nghiệp quốc phòng mà muốn phát triển một cách bền vững, đó là phải tìm hiểu và mở rộng thị trường cho sản phẩm quốc phòng đó. Triển lãm quốc phòng lần này cũng là dịp để Việt Nam có thể tìm hiểu thị hiếu, nhu cầu, cũng như tìm hiểu thông lệ trong việc buôn bán, trao đổi các mặt hàng vũ khí quốc phòng với các đối tác, tại vì danh sách các mặt hàng mà Việt Nam xuất khẩu hiện nay không phải là lớn lắm.
Ngoài đạn dược, các cấu phần của súng, thuốc nổ, thì lác đác đâu đó còn là những mặt hàng có liên quan tới tàu. Nhưng tàu ở đây không phải là Việt Nam tự làm mà là liên doanh với một công ty nước ngoài, cụ thể ở đây là Damen (Hà Lan). Đã có thông tin Việt Nam xuất khẩu một số dạng tàu chở quân và tàu đổ bộ cho một số nước ở châu Mỹ Latinh và châu Phi chẳng hạn, nhưng sản phẩm đó là sản phẩm liên doanh. Điều này phần nào đó cũng cho thấy rằng việc hợp tác giữa một công ty Việt Nam và một công ty nước ngoài trong việc xây dựng và chế tạo các loại vũ khí, khí tài là một bước đi đúng đắn, sẽ giúp cho Việt Nam đẩy nhanh quá trình tiếp cận công nghệ và qua đó giúp cho các tổ hợp quốc phòng Việt Nam trưởng thành hơn.
Sắp tới, tham vọng của Việt Nam là xuất khẩu một số loại vũ khí, khí tài công nghệ cao. Chẳng hạn trước đây Viettel cũng đã có hợp đồng tạm gọi là xuất khẩu một số “mô hình huấn luyện” cho các quốc gia như Indonesia, hoặc xuất khẩu các loại radar, máy bay không người lái. Triển lãm lần này cũng là dịp để họ tìm hiểu nhu cầu của thị trường về những sản phẩm công nghệ cao mà Việt Nam đã tự sản xuất được.
Nguyễn Thế Phương : Thực ra, biện pháp trừng phạt đó sẽ liên quan tới việc mua sắm hơn là chỉ tham gia vào triển lãm. Họ đến Việt Nam mở gian hàng và họ có một số catalogue và trưng bày một số loại vũ khí hạng nhẹ. Điểm đó cũng không ảnh hưởng nhiều lắm tới “trừng phạt”. Trừng phạt là liên quan tới việc mua vũ khí của Iran, mua công nghệ của Iran, của Trung Quốc trong một số mảng cụ thể, chứ không phải là tất cả các mảng.
Còn bảo là có ảnh hưởng tới hình ảnh hay không, thực ra cũng không ảnh hưởng mấy, bởi vì thông qua triển lãm này, Việt Nam còn gửi một thông điệp ngược lại. Chính sách đối ngoại của Việt Nam gần đây vẫn hay nói tới “ngoại giao cây tre”, cho nên việc mời cả Iran, Trung Quốc chứng tỏ rằng trong mảng an ninh quốc phòng nói riêng, Việt Nam chơi với tất cả các nước và đối xử với tất cả một quốc gia như nhau, bất kể là họ đang có đối đầu hay có căng thẳng.
Riêng về trường hợp của Trung Quốc, từ khoảng một năm trở lại đây, giao lưu hợp tác quốc phòng giữa hai bên dày đặc hơn. Việc cho phép tập đoàn Norinco tham gia triển lãm quốc phòng cho thấy mối quan hệ an ninh quốc phòng song phương có một điểm đáng để nhắc tới, chứ không phải là buồn tẻ như từ trước tới nay. Còn việc Việt Nam có mua hay không hoặc mua như thế nào thì đó lại là chuyện khác, không bàn tới. Chưa kể rằng họ mang vũ khí tới triển lãm này không phải chỉ giới thiệu cho Việt Nam, mà còn cho các nước khác nữa, bởi vì Việt Nam mời đại diện của hầu như tất cả các nước Đông Nam Á và các nước mà có quan hệ với Việt Nam tới tham gia triển lãm. Các nước này có thể mua bán, họ sẽ đặt hợp đồng qua lại lẫn nhau, chứ không phải chỉ cho Việt Nam. Vấn đề này cũng nên hiểu rõ như vậy.
RFI Tiếng Việt xin chân thành cảm ơn Nguyễn Thế Phương, Đại học New South Wales, Canberra, Úc.
Lần thứ hai liên tiếp, Pháp tham gia Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam (từ 19-22/12/2024). Trong chuyến thăm Paris tháng 10/2024 của tổng bí thư Tô Lâm, kiêm chủ tịch nước lúc đó, Việt Nam và Pháp đã nâng quan hệ lên cấp cao nhất Đối tác chiến lược toàn diện và nhất trí "tăng cường hợp tác quốc phòng và an ninh". Để đạt được mục đích này, "hai bên quyết định tạo động lực mới cho hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng" với "các dự án mang tính cơ cấu".
Có thể thấy mối quan hệ song phương trong lĩnh vực quốc phòng, được thiết lập từ thập niên 1990, không ngừng được củng cố. Hiện tại, Pháp - nước thứ 8 trên thế giới và là thành viên đầu tiên trong Liên Hiệp Châu Âu có mối quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện với Việt Nam - tỏ thiện chí cung cấp cho Hà Nội trang thiết bị quốc phòng tân tiến, nhưng liệu Hà Nội đã sẵn sàng chưa ? Việt Nam và Pháp có thể tính đến những dự án có quy mô lớn hơn không ? Nhà nghiên cứu Laurent Gédéon, giảng viên Trường Sư phạm Lyon, Pháp trả lời phỏng vấn RFI Tiếng Việt.
Laurent Gédéon : Cơ hội có nhiều. Trước tiên tôi xin nhắc lại rằng Việt Nam hiện dành 8 tỷ đô la cho ngân sách quốc phòng, tương đương với 2% GDP của đất nước. Hà Nội có ý định tăng ngân sách quốc phòng hàng năm lên trung bình 5,5% để đạt đến 10,2 tỷ đô la vào năm 2029. Có thể thấy nỗ lực đó rất lớn và Việt Nam tự tạo phương tiện để tăng cường khả năng phòng thủ.
Nhưng hiện giờ, chúng ta thấy các nhà cung cấp quân sự chính cho Việt Nam vẫn là Nga, Mỹ và trong chừng mực nào đó là Israel. Việt Nam cũng sản xuất một số vũ khí và trang thiết bị quân sự (chủ yếu do Viettel sản xuất, trong đó có một số thiết bị được cấp phép). Ngoài ra, quân đội Việt Nam vẫn được trang bị một phần thiết bị của Liên Xô có từ thập niên 1970 và 1980.
Trên thực tế, chúng ta thấy rằng Pháp gần như không bán vũ khí cho Việt Nam nếu loại trừ một số máy bay trực thăng Puma và radar giám sát ven biển do Thales sản xuất (loại SCORE 3000 và Coast Watcher 100) hiện được Hải quân Việt Nam sử dụng. Dường như cũng không có bất kỳ thiết bị nào có nguồn gốc từ Pháp trong bộ binh Việt Nam và không quân cũng không có máy bay Pháp. Do đó, có thể có những cơ hội hấp dẫn cho ngành công nghiệp quân sự về mặt hợp tác và trao đổi công nghệ.
Nhưng phải nhắc đến vấn đề các mối ưu tiên. Rõ ràng là trong bối cảnh địa-chiến lược của Việt Nam, Hà Nội tập trung chú ý vào không gian biển, dù là bảo vệ khu vực ven biển hay các đảo, đặc biệt là quần đảo Trường Sa, nơi quân đội Việt Nam hiện diện. Do đó, có thể giả định rằng việc hợp tác và mua sắm thiết bị quân sự sẽ chủ yếu tập trung vào các thiết bị đáp ứng các yêu cầu trong khuôn khổ chiến lược đó. Về điểm này, một số công ty Pháp có thể đáp ứng được kỳ vọng của Việt Nam, đặc biệt là Thales, Safran và Airbus.
Nếu lấy ví dụ trường hợp Thales - tập đoàn rất chú ý vào xuất khẩu, người ta thấy rằng doanh nghiệp này cung cấp giải pháp trong ba lĩnh vực mà Hà Nội quan tâm : giám sát trên không và trên biển, tác chiến chống tàu ngầm và drone.
Trong trường hợp giám sát trên không và trên biển, Thales có nhiều loại radar có thể rất phù hợp với nhu cầu của quân đội Việt Nam, bởi vì việc giám sát không phận và dự đoán các hành động của đối phương mang lại một lợi thế nhất định cho Việt Nam. Các mẫu được cung cấp, dù là radar tầm xa như GM 400α (Ground Master 400α), radar tầm trung như GM 200, hệ thống giám sát quang học như Artemis, hoặc hệ thống pháo chống drone trên biển và trên không (loại RapidFire), có thể được quân đội Việt Nam quan tâm.
Trong lĩnh vực tác chiến chống tàu ngầm cũng vậy. Đây là lĩnh vực rất nhạy cảm, đã được Việt Nam xác định thông qua việc mua 6 tàu ngầm lớp Kilo của Nga vào những năm 2010. Việc mua tàu ngầm đã giúp Hà Nội tái lập cân bằng với quân đội Trung Quốc cũng được trang bị tàu ngầm. Đây lại cũng là lĩnh vực mà công ty Pháp có thể đáp ứng qua việc cung cấp các thiết bị chuyên dụng, như máy đo sóng âm và phao thủy âm, và rộng hơn là các hệ thống công nghệ cao dành riêng cho giám sát điện tử.
Ngoài ra, còn có những cơ hội hợp tác liên quan đến drone, nhất là những loại drone có sức bền dành cho hoạt động tình báo và giám sát hàng hải như Watch Keeper của Thales và cả Patroller của Safran.
Như chúng ta thấy, cơ hội phát triển liên kết trong lĩnh vực công nghiệp quân sự là không thiếu. Tuy nhiên các đối tác Pháp phải tính đến những nhu cầu và hạn chế cụ thể của Việt Nam. Đây cũng là một quyết định mang tính chính trị rõ ràng, nếu xét đến những hậu quả có thể xảy ra với Trung Quốc.
Laurent Gédéon : Tôi đã đề cập đến drone Patroller, nhưng đúng, vấn đề tàu hộ vệ cũng rất đáng quan tâm bởi vì đây là một trường hợp mang đầy tính biểu tượng. Chúng ta biết hiện giờ Việt Nam có hai loại tàu hộ vệ, có nguồn gốc Liên Xô và Nga. Loại gần đây nhất có nguồn gốc từ Nga là tàu hộ vệ loại Gepard 3.9. Đây là những con tàu được thiết kế để tìm kiếm và chiến đấu với kẻ thù trên mặt nước, dưới nước và trên không. Nhiệm vụ chung của chúng là giám sát và bảo vệ lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Xin nhắc lại, vào tháng 03 và tháng 08/2011, Hải quân Việt Nam đã tiếp nhận 2 tàu hộ vệ Gepard 3.9 (đặt mua năm 2006, đóng tại Nga). Cuối năm 2011, Việt Nam ký hợp đồng đóng thêm hai tàu chuyên chống tàu ngầm. Hai tàu khác cũng được lên kế hoạch, nâng tổng số đơn đặt hàng lên thành 6tàu. Tuy nhiên, hai tàu cuối này hiện bị trì hoãn do các lệnh trừng phạt Nga do cuộc xung đột Ukraina. Ngoài tàu hộ tống Gepard 3.9, Việt Nam còn có 5 tàu hộ tống lớp Petya. Đây là những chiến hạm cũ, được đóng từ thời Liên Xô, có vai trò tác chiến chống tầu ngầm ở vùng nước nông.
Pháp có kinh nghiệm không thể phủ nhận được trong lĩnh vực thiết kế và sản xuất tàu khu trục nhỏ, bằng chứng là những tàu trong biên chế của Hải quân Pháp. Chúng được chia thành hai loại, tàu khu trục hạng nhất (lớp Horizon và Aquitaine) và tàu khu trục hạng hai (lớp Floréal và Lafayette). Hai loại này có chức năng khác và giá cũng khác nhau.
Nhiệm vụ chính của tàu khu trục hạng nhất là tham gia phòng không cho đội tàu tác chiến, hoặc bảo vệ một khu vực hoặc một đoàn tàu khỏi các cuộc không kích hoặc tấn công bằng tên lửa. Tàu khu trục hạng hai là tàu giám sát, chủ yếu là tham gia tác chiến chống tàu.
Cũng cần lưu ý rằng các tàu khu trục hàng hai sắp không còn được sử dụng, thay vào đó là một mẫu tàu tàng hình mới, được gọi là tàu khu trục phòng thủ và can thiệp (hoặc khinh hạm cỡ trung bình). Loại tàu này sẽ do tập đoàn Naval Group chế tạo.
Laurent Gédéon : Đặt giả thuyết Việt Nam mua một tàu khu trục, vấn đề đặt ra sẽ là Việt Nam muốn đầu tư ngân sách bao nhiêu, bởi vì giá tàu khu trục hạng hai đời mới của Pháp chuyên phòng thủ và can thiệp có giá dao động từ 760 đến 800 triệu euro, còn tàu hạng nhất dao động trong khoảng 800 đến 950 triệu euro. Đó là số tiền rất lớn và sẽ được đem so sánh với tàu hộ tống Gepard 3.9 của Nga, có giá khoảng 350 triệu euro.
Thêm vào đó là chi phí bảo dưỡng và chi phí cho thủy thủ đoàn, tổng chi phí dao động từ 500 đến khoảng 700 triệu euro trong 30 năm. Do đó, đây là một khoản đầu tư đáng kể khi biết rằng ngân sách quân sự của Việt Nam hiện vào khoảng 8 tỷ đô la và sẽ đạt 10 tỷ đô la vào năm 2029.
Để khoản đầu tư được xứng đáng, những tàu khu trục này sẽ phải mang lại giá trị thặng dư chắc chắn về mặt chiến lược và đáp ứng những nhu cầu về khả năng mà các tàu Gepard 3.9 hiện tại không thể hoặc không còn đáp ứng được. Về vấn đề này, chúng ta vẫn chưa có câu trả lời để đánh giá xem liệu Việt Nam có quan tâm đến một thỏa thuận mua bán đắt đỏ như vậy với Pháp hay không.
Ngoài ra, tàu khu trục vẫn là một vấn đề nhạy cảm đối với Pháp, cả về mặt địa-chính trị và biểu tượng trong khu vực, bởi vì người ta chưa quên những căng thẳng gay gắt nảy sinh giữa Paris và Bắc Kinh sau thương vụ bán sáu tàu khu trục lớp Lafayette cho Đài Loan vào năm 1991. Dĩ nhiên trường hợp của Việt Nam khác với Đài Loan. Nhưng trong bối cảnh và mối quan hệ hiện vẫn tế nhị giữa Hà Nội và Bắc Kinh, việc Pháp bán tàu khu trục cho Việt Nam có thể sẽ gợi lại cho Trung Quốc những kỉ niệm không tốt đẹp cho lắm và có thể sẽ khiến Bắc Kinh phản ứng về vấn đề này.
Laurent Gédéon : Cần phải nhớ rằng trong bối cảnh địa chính trị khu vực, được đánh dấu bằng sự cạnh tranh Trung-Việt đối với các quần đảo ở Biển Đông, câu hỏi được đặt ra đối với bất kỳ hoạt động bán vũ khí nào cho Việt Nam hoặc bất kỳ sáng kiến quân sự nào của Pháp, hoặc từ bên ngoài, đó là Bắc Kinh có thể diễn giải việc đó theo cách nào. Bất kỳ chuyến hải hành nào của Hải quân Pháp qua Biển Đông đều khiến Trung Quốc có phản ứng ít nhiều tiêu cực và kịch liệt, tùy theo hoàn cảnh. Chắc chắn các nhà lãnh đạo chính trị và quân sự của cả Pháp và Việt Nam đều chú ý đến điều này.
Tuy nhiên, tàu chiến Pháp vẫn thường xuyên tổ chức hoạt động lưu thông trong khuôn khổ chiến dịch FONOP nhằm khẳng định sự tôn trọng luật hàng hải quốc tế và thách thức các yêu sách lãnh thổ bị coi là quá đáng của Trung Quốc. Chúng ta nhớ lại rằng vào năm 2021, tàu khu trục Vendémiaire của Pháp đã tuần tra gần quần đảo Trường Sa ; năm 2022, Pháp cũng tham gia cuộc tập trận hải quân đa phương La Pérouse, phối hợp với Mỹ, Úc, Nhật Bản và Ấn Độ ở Ấn Độ Dương và Biển Đông ; và vào tháng 04/2024, lần đầu tiên Pháp tham gia cuộc tập trận Balitakan của Philippines.
Do đó, sự hiện diện của Pháp trong khu vực không hề mang tính trung lập và bản thân việc các tàu Pháp cập cảng Việt Nam đã thể hiện một hành động chính trị. Cho nên có thể coi tần suất thăm cảng có tăng hay không còn phụ thuộc vào những cân nhắc ngoại giao về yếu tố Trung Quốc.
Tóm lại, để trả lời câu hỏi trên, thì đúng, việc tàu Pháp tăng cường ghé thăm cảng Việt Nam sẽ thể hiện niềm tin song phương ngày càng cao và có thể dẫn đến hợp tác và trao đổi chuyên môn nhằm phát triển năng lực và kinh nghiệm của Hải quân, và đặc biệt là của Cảnh sát biển Việt Nam.
RFI Tiếng Việt xin chân thành cảm ơn nhà nghiên cứu Laurent Gédéon, giảng viên Trường Sư phạm Lyon, Pháp.
Trong những năm gần đây, Hà Nội đã tăng tốc bồi đắp các đảo mà Việt Nam đang kiểm soát quần đảo Trường Sa ở Biển Đông. Hiện giờ Trung Quốc vẫn chưa có phản ứng gì, nhưng về lâu dài, vấn đề này có thể sẽ làm gia tăng căng thẳng giữa Hà Nội với Bắc Kinh.
Vào năm 2013, Trung Quốc đã bắt tay vào một chương trình bồi đắp đảo quy mô lớn tại quần đảo Trường Sa, xây dựng cả cơ sở hạ tầng dân sự và quân sự, bao gồm đường băng sử dụng vào mục đích quân sự, trạm radar, bến cảng và nhà ở cho quân đội. Bắc Kinh khẳng định các cơ sở đó được xây dựng trên các thực thể mà họ kiểm soát và hành động của họ là "hợp pháp và chính đáng".
Trong bài viết đề ngày 24/10/2024 đăng trên trang mạng của Trung tâm Truyền thông Châu Á ( Asia Media Centre ), nhà báo người Philippines Carla Teng, cố vấn truyền thông của trung tâm này, ghi nhận: “ Tại vùng Biển Đông đang có tranh chấp gay gắt, Việt Nam nay đã có cách tiếp cận quyết đoán hơn, mở rộng sự hiện diện quân sự thông qua các sáng kiến xây dựng đảo chiến lược. Chiến thuật này là một phần trong mục tiêu lớn hơn của Việt Nam nhằm củng cố các yêu sách lãnh thổ của mình trong khu vực, áp dụng các phương pháp tương tự như cách tiếp cận hung hăng của Trung Quốc”.
Tác giả bài viết nhắc lại nhật báo Mỹ The Wall Street Journal gần đây đã nêu bật sự bành trướng nhanh chóng của Việt Nam tại quần đảo Trường Sa, cho thấy đất nhân tạo trong khu vực đã tăng gấp mười lần trong ba năm qua, dựa trên hình ảnh vệ tinh có độ phân giải cao của Maxar Technologies.
Nhật báo Mỹ nêu chi tiết về việc xây dựng các bến cảng, chiến hào phòng thủ và có thể là các đường băng được mở rộng để sử dụng vào mục đích quân sự. Tờ báo lưu ý rằng những hành động này rất giống với các dự án xây dựng đảo nhân tạo trước đó của Trung Quốc, bao gồm cơ sở hạ tầng quân sự? như tháp quan sát và đường băng.
Tổ chức Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á (AMTI) vào tháng 6/2024 cho biết Việt Nam đã bồi đắp thêm 692 mẫu Anh ( acre ), tương đương với khoảng 2.770 km2, vào 10 thực thể kể từ tháng 11 năm 2023, nâng tổng diện tích bồi đắp đất lên khoảng 2.360 mẫu Anh, tức là khoảng một nửa so với 4.650 mẫu Anh của Trung Quốc. Điều này đánh dấu sự thay đổi đáng kể so với tổng diện tích trước đó của Việt Nam chỉ là 329 mẫu Anh cách đây ba năm.
Một ví dụ cụ thể đó là vào tháng 9/2020, sự hiện diện của Việt Nam trên rạn san hô Đá Thuyền Chài ( Barque Canada Reef ) chỉ giới hạn ở ba tiền đồn nhỏ trên các bệ bê tông. Đến tháng 8/2024, sau khi nạo vét sâu rộng, rạn san hô này đã trở thành thực thể lớn nhất của Việt Nam tại quần đảo Trường Sa.
Tương tự như thế: Vào tháng 3/2021, Đảo Namyit trải dài 13 mẫu Anh trong một rạn san hô dài hai dặm. Đến tháng 6/2024, sau khi tiến hành công trình lớn, nó đã trở thành một trong những thực thể lớn nhất của Việt Nam tại quần đảo Trường Sa, với một bến cảng lớn được nạo vét ở trung tâm.
Trả lời RFI Việt ngữ ngày 31/10/2024, nhà nghiên cứu về Biển Đông Hoàng Việt cũng ghi nhận:
"Những hình ảnh vệ tinh của một số trang như trang của CSIS ( Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược ) cũng đã cho thấy rõ ràng khả năng này là hoàn toàn có. Phía Việt Nam không đưa thông tin nhiều, nhưng cũng không phản bác thông tin từ những trang đó.
Thật ra việc Việt Nam phải tôn tạo những đảo mà họ kiểm soát là chuyện bình thường, bởi vì thứ nhất là các công trình trên biển có tuổi thọ không lớn, do sự tàn phá của môi trường biển, nước biển, gió biển mang hàm lượng muối cao, cho nên nhiều thực thể dễ bị sụp đổ. Trong quá khứ, các dàn khoan dầu khí của Việt Nam cũng đã bị sụp đổ nhiều lần rồi, cho nên cứ sau một thời gian là phải tôn tạo. Đó là chuyện bình thường.
Thứ hai, có lẽ Việt Nam không làm giống như Trung Quốc, tức là quân sự hóa các thực thể mà Việt Nam đang chiếm giữ. Cái quan trọng là Việt Nam muốn phát triển các thực thể đó thành những cứ điểm để có thể cứu nạn, cứu hộ cho những ngư dân Việt Nam trên biển. Điều này cũng sẽ giúp Việt Nam tăng cường sức mạnh về cảnh sát biển, bởi vì các lực lượng trong đó có cảnh sát biển và lực lượng kiểm ngư của Việt Nam cũng cần phải giám sát các vùng biển để bảo vệ chủ quyền, đồng thời ngăn chận ngư dân đánh bắt bất hợp pháp trên vùng biển của những quốc gia khác.
Cho nên mục tiêu của Việt Nam không phải là quân sự hóa, tức là đặt các cơ sở quân sự trên những đảo đó như Trung Quốc đã làm, mà thật ra thì Việt Nam cũng đâu có đủ tiềm lực để làm. Việt Nam chỉ tôn tạo những đường cho kiên cố hơn, hoặc là, theo tin của báo chí Mỹ, xây dựng các đường băng để tiếp tế hoặc sử dụng cho những trường hợp khẩn cấp, cấp cứu trên đảo. Máy bay hạ cánh xuống thì dễ hơn, chứ còn đi tàu thì rất lâu."
Hà Nội cho tới nay vẫn im lặng về các nỗ lực cải tạo của Việt Nam, về mặt chính thức mô tả đó là các dự án nhỏ để xây dựng nơi trú bão cho ngư dân và ngăn chặn xói mòn.
Nhưng một báo cáo tháng 9/2024 của John Pollock và Damien Symon, Viện Chatham House của Anh Quốc, cho rằng việc mở rộng của Việt Nam là một hành động chiến lược nhằm củng cố vị thế của mình trong các tranh chấp biển đảo với Trung Quốc và các quốc gia khác trong khu vực. Họ cũng suy đoán rằng Việt Nam sẽ sớm triển khai máy bay quân sự tầm xa tại các tiền đồn của mình, cho thấy sự quân sự hóa mạnh hơn nữa.
Nhật báo Hồng Kông South China Morning Post ngày 25/10/2024 trích dẫn báo cáo của tổ chức Sáng kiến thăm dò tình hình chiến lược Biển Đông ( South China Sea Probing Initiative - SCSPI) cho biết chỉ trong 5 tháng qua, Việt Nam đã bồi đắp thêm hơn 2 km2 tại quần đảo Trường Sa ( mà Trung Quốc gọi là Nam Sa ). Như vậy là Hà Nội đã nâng cấp tổng cộng 11 trên 26 thực thể mà Việt Nam kiểm soát, những thực thể mà Bắc Kinh cũng khẳng định chủ quyền.
Theo lời ông Hồ Ba ( Hu Bo ), giám đốc SCSPI, “Hà Nội đã liên tục mở rộng các thực thể mà họ chiếm đóng ở quần đảo Trường Sa kể từ những năm 1970… và việc mở rộng đã có sự gia tăng đáng kể cả về tốc độ lẫn quy mô kể từ đợt mở rộng mới nhất bắt đầu vào tháng 10/2021”.
Ông Trần Tương Miểu (Chen Xiang Miao), một nghiên cứu viên cộng tác tại Viện Nghiên cứu Nam Hải Quốc gia, trụ sở tại Hải Nam, cho biết Việt Nam đặt mục tiêu tận dụng việc xây dựng đảo của mình để tăng cường kiểm soát quần đảo Trường Sa, vì có khả năng thiết lập sự hiện diện liên tục của các tàu thực thi pháp luật trên biển và mở rộng việc triển khai các cơ sở quân sự tại đó.
Ông cho biết: “Trước đây, Hà Nội duy trì một số lượng hạn chế các căn cứ ở quần đảo Trường Sa, chỉ có khả năng tiếp nhận các tàu nhỏ. Tuy nhiên, với những nâng cấp gần đây đối với các cơ sở cảng, Việt Nam đang sẵn sàng duy trì sự hiện diện liên tục của lực lượng thực thi pháp luật hàng hải, điều này sẽ tăng cường đáng kể quyền kiểm soát của Việt Nam đối với toàn bộ khu vực Trường Sa”.
Theo ông Trần Tương Miểu, “những nâng cấp gần đây đối với các tiền đồn đã nâng cao năng lực của Việt Nam trong việc tiếp nhận các tàu lớn - từ hàng ngàn đến gần 10 ngàn tấn - cho thấy tiềm năng của họ về việc neo đậu tàu quân sự trong tương lai”. Ông cho biết các công trình phòng thủ đang được xây dựng doanh trại, pháo binh và các cơ sở quân sự khác.
Dĩ nhiên, đối với nhà nghiên cứu Trung Quốc này, những nỗ lực nói trên của Việt Nam là nhằm chiếm đóng "bất hợp pháp và vĩnh viễn" các thực thể đó và như vậy sẽ đặt ra thách thức đáng kể đối với Trung Quốc, vì có thể thúc đẩy các hành động tương tự từ Philippines và các quốc gia khác cũng có yêu sách chủ quyền trên Biển Đông.
Mặc dù đã có thái độ rất cứng rắn với Philippines trong các tranh chấp Biển Đông, Trung Quốc cho tới nay vẫn im lặng một cách đáng chú ý về các hoạt động của Việt Nam. Nhà nghiên cứu Hoàng Việt giải thích:
"Gần đây có một số bài báo của các nhà phân tích nói đến việc tại sao Trung Quốc phản ứng gần như là im ắng trước việc Việt Nam tôn tạo một số thực thể như vậy, trong khi Trung Quốc lại rất căng thẳng với Philippines.
Thứ nhất, Trung Quốc không phản đối bởi vì Trung Quốc mới là xây nhiều. Việt Nam chắc là không bao giờ theo kịp Trung Quốc trong việc tôn tạo các thực thể trên Biển Đông. Trung Quốc còn quân sự hóa các đảo đó, biến thành những tiền đồn. Việt Nam thì chắc là sẽ không có các tiền đồn. Cá nhân tôi có một lần đến Trường Sa thì thấy chủ yếu là dân, chứ không có nhiều căn cứ quân sự kiên cố, chủ yếu chỉ có một số vũ khí để đề phòng thôi, chứ không phải là những tiền đồn ghê gớm như của phía Trung Quốc.
Thứ hai, có lẽ Việt Nam cũng khéo léo chọn thời điểm mà Trung Quốc cũng đang muốn thúc đẩy quan hệ với Việt Nam và Việt Nam cũng đang cố gắng giữ quan hệ với Trung Quốc ở mức tốt đẹp để phía Trung Quốc không có phản ứng nhiều trong trường hợp này."
Các chuyên gia cho rằng sự khác biệt trong thái độ của Bắc Kinh là do Trung Quốc duy trì trao đổi chặt chẽ với ban lãnh đạo mới của Việt Nam sau những thay đổi nhân sự cấp cao.
Ngày 21/10/2024, tướng quân đội Lương Cường đã được Quốc Hội bầu làm chủ tịch nước mới, để kế nhiệm ông Tô Lâm, sau khi đi thăm Trung Quốc và hội kiến chủ tịch Tập Cận Bình. Trong cuộc gặp này, hai bên đã tái khẳng định cam kết tăng cường quan hệ giữa hai nước. Trước đó, tổng bí thư Tô Lâm đã đến thăm Trung Quốc vào tháng 8 trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên sau khi nhậm chức. Trong chuyến đi đó, ông đã cam kết giải quyết tranh chấp chủ quyền Biển Đông thông qua đối thoại.
Sau khi dự một diễn đàn khu vực tại Lào, Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường đã đến Việt Nam để thảo luận với tổng bí thư Tô Lâm và thủ tướng Phạm Minh Chính, tạo cơ hội cho Bắc Kinh hàn gắn quan hệ với Việt Nam. Trong văn bản tuyên bố, Bắc Kinh và Hà Nội cam kết "kiềm chế không thực hiện các hành động làm phức tạp tình hình và mở rộng tranh chấp". Ngoài ra, họ đã nhất trí khởi xướng các dự án phát triển hàng hải chung ở những khu vực ít nhạy cảm và cải thiện tương tác giữa các lĩnh vực quốc phòng và an ninh của họ.
Theo chuyên gia La Lượng (Luo Liang), thuộc Viện Nghiên cứu Nam Hải Quốc gia, “những cuộc gặp gỡ thường xuyên giữa các quan chức cấp cao và các kênh liên lạc cởi mở, thông suốt giữa Trung Quốc và Việt Nam đã giúp giải quyết hiệu quả các bất đồng trên biển, giúp giảm thiểu tác động bất lợi đến quan hệ song phương”.
Theo nhà nghiên cứu Hoàng Việt, Bắc Kinh chưa muốn làm căng với Hà Nội về vấn đề bồi đắp các đảo cũng là do Trung Quốc đang cố hòa hoãn với Việt Nam, hay đi xa hơn là cố giữ Việt Nam trong vòng ảnh hưởng của mình:
“Không phải bây giờ, mà từ xưa, Trung Quốc luôn giữ Việt Nam trong vòng cương tỏa, trong ảnh hưởng của mình. Xem lại hàng ngàn năm lịch sử, Trung Quốc biến Việt Nam thành một dạng thuộc địa hay chư hầu của mình. Với vị thế của Trung Quốc muốn trở thành một cường quốc lớn ở khu vực châu Á và của cả thế giới, đương nhiên Trung Quốc muốn các nước khu vực phải dưới sự chỉ đạo, kiểm soát của Trung Quốc.
Phía Việt Nam thì hiểu rằng, Trung Quốc là một cường quốc mà lại là một láng giềng của Việt Nam, cho nên Việt Nam phải khéo léo phần nào. Nhưng Việt Nam cũng đang cố gắng tìm cách cân bằng, để không bị lệ thuộc vào Trung Quốc, qua việc thúc đẩy quan hệ với các quốc gia mà có khi lại là đối thủ của Trung Quốc, như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, cũng là những nước có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện của Việt Nam. Thật ra thì Việt Nam cũng có mối quan hệ truyền thống với Nga, mà Nga - Trung là một mối quan hệ phức tạp, có những lúc hợp tác, có những lúc cạnh tranh. Chắc chắn là Trung Quốc sẽ luôn tìm mọi cách để Việt Nam lệ thuộc Trung Quốc, nhưng làm được hay không thì còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có yếu tố Việt Nam rất nhiều.”
Tuy nhiên, nhật báo Hồng Kông South China Morning Post trích dẫn một số nhà phân tích cho rằng cho dù hai bên đã mở các kênh liên lạc để quản lý các tranh chấp, những bất đồng căn bản giữa hai nước láng giềng vẫn còn đó.
Theo một phó giáo sư tại Quảng Châu chuyên về Biển Đông, xin được giấu tên, các hành động kiên quyết của Việt Nam trong việc bảo vệ các yêu sách của mình đang làm phức tạp thêm các nỗ lực trong tương lai của Trung Quốc nhằm khẳng định các quyền của họ ở Biển Đông. Theo học giả này, các cuộc đối đầu trên biển giữa Bắc Kinh và Hà Nội không chỉ dai dẳng, mà còn có khả năng leo thang trong tương lai, như vụ xảy ra trong tháng 10: Việt Nam cáo buộc Trung Quốc tấn công 10 ngư dân Việt Nam, khiến ba người bị gãy chân tay, ngư cụ bị hư hại và hải sản bị tịch thu.
Có lẽ là để có thể tập trung đối phó với Trung Quốc trên vấn đề Biển Đông, Việt Nam đã cố dàn xếp với Malaysia, khi Kuala Lumpur, theo tin Reuters ngày 04/11/2024, gởi một lá thư khiếu nại đến Hà Nội, cáo buộc Việt Nam mở rộng một đảo nhỏ ở quần đảo Trường Sa mà cả hai nước đều tuyên bố chủ quyền.
Theo báo chí Việt Nam, phát biểu trong cuộc họp báo chung với thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim tại Putrajaya nhân chuyến thăm Malayisa ( 21-23/11), tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Tô Lâm cho biết Việt Nam và Malaysia đã nhất trí "tìm kiếm sự hợp tác chặt chẽ hơn để duy trì hòa bình ở Biển Đông". Hai nhà lãnh đạo cũng cam kết "tiếp tục hợp tác chặt chẽ với nhau để duy trì hòa bình, an ninh, ổn định, an toàn và tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông và thúc đẩy giải quyết hòa bình các tranh chấp". Theo lời thủ tướng Anwar, hai bên còn đã "đồng ý tìm kiếm khả năng cùng nỗ lực trong ngành đánh bắt cá để thực sự có thể làm việc trên cơ sở tin tưởng và hữu nghị". Không những thế, nhân chuyến đi của ông Tô Lâm, Việt Nam và Malaysia đã đồng ý nâng cấp quan hệ song phương lên thành Đối tác Chiến lược Toàn diện
Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong nhiều năm qua. “Trong 10 tháng năm 2024, thương mại Việt-Mỹ đạt gần 111 tỷ đô la, trong đó tăng mạnh mẽ hơn ở chiều xuất khẩu với kim ngạch gần 98,5 tỷ đô la, tăng 24,2% so với cùng kỳ”, theo báo Đầu Tư ngày 06/11. Thặng dư thương mại của Việt Nam với Mỹ sẽ sớm vượt ngưỡng 100 tỷ đô la, sau khi cũng ở mức khoảng 100 tỷ năm 2023. Mỹ chiếm hơn 1/4 tổng khối lượng xuất khẩu của Việt Nam.
Những con số này sẽ không làm tân tổng thống Donald Trump hài lòng. Ông vẫn tuyên bố sẽ “mang việc làm về Mỹ”, tăng thuế hải quan 20% đối với mọi mặt hàng nhập khẩu vào Hoa Kỳ, riêng với hàng Trung Quốc ít nhất là 60%. Việt Nam có thể sẽ là một trong những nước ở châu Á bị tác động nặng nề nhất, theo nhận định của nhiều chuyên gia, được Japan Times trích dẫn ngày 12/11, do thặng dư thương mại với Mỹ quá lớn, gấp đôi so với nhiệm kỳ đầu của ông Trump. Ngoài ra, Việt Nam chưa hẳn đã được hưởng lợi lớn trong cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, được cho là sẽ trầm trọng hơn dưới thời ông Trump.
Việt Nam, “kẻ lạm dụng thương mại tồi tệ nhất” theo cách gọi của ông Trump, đang từng bước chuẩn bị đối sách. Ngay ngày 07/11, khi có số liệu chính xác về kết quả bầu cử, tổng bí thư Tô Lâm, chủ tịch nước Lương Cường và thủ tướng Phạm Minh Chính đã gửi điện chúc mừng, khẳng định “Việt Nam coi Hoa Kỳ là đối tác có tầm quan trọng chiến lược”. Đến ngày 11/11, theo báo Chính phủ, tổng bí thư Tô Lâm đã điện đàm với ông Donald Trump, “đánh giá cao những đóng góp của tổng thống đắc cử trong quá trình phát triển của quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ”. Ông “cũng trao đổi với tổng thống đắc cử Donald Trump về một số phương hướng lớn nhằm tăng cường quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư giữa hai nước trong các lĩnh vực hai bên có thế mạnh và nhu cầu”.
Ngoài ra, phải kể đến một sự kiện trùng hợp, có thể giúp Việt Nam “ghi điểm” trong mắt tổng thống tân cử Mỹ: Một tháng trước cuộc bầu cử, ngày 08/10/2024, công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc thông báo tập đoàn Trump (Trump Organization) đã đồng ý đầu tư xây dựng tổ hợp khách sạn, sân golf cao cấp tại tỉnh Hưng Yên, quê nhà của tổng bí thư Tô Lâm cũng như của những người thân cận với ông.
Việt Nam sẽ còn phải có những đối sách nào khác trong khi rất phụ thuộc vào thương mại trên thế giới, xuất khẩu chiếm khoảng 85% nền kinh tế và Hoa Kỳ là thị trường lớn nhất của Việt Nam ? Giáo sư Alexander Vuving, Trung tâm Nghiên cứu An ninh châu Á-Thái Bình Dương, Honolulu, Hawaii, Hoa Kỳ, trả lời một số câu hỏi của RFI Tiếng Việt về chủ đề này.
Alexander Vuving : Tôi nghĩ là nếu chính quyền Trump áp thuế xuất nhập khẩu vào hàng hóa của Việt Nam thì đương nhiên nó sẽ ảnh hưởng đến xuất khẩu của Việt Nam. Nhưng ảnh hưởng nhiều hay ít thì phụ thuộc vào tỉ lệ mà người ta áp thuế. Ví dụ áp thuế 1-2% khác với cả áp thuế 5-7% và khác với cả áp thuế 10-15%. Bây giờ cũng không thể biết được là chính quyền Trump sẽ áp thuế đến mức độ nào.
Thứ hai, cũng không biết là họ sẽ áp thuế những mặt hàng nào. Có thể họ sẽ áp toàn bộ các mặt hàng ở một mức nào đó. Nhưng khả năng là có thể cho tất cả các nước, cũng có thể là chỉ tùy mặt hàng. Ảnh hưởng đến xuất khẩu Việt Nam chắc chắn là sẽ có, nhưng nhiều hay ít thì chưa thể nói được, vì nó còn phụ thuộc vào những số liệu cụ thể mà người ta sẽ đưa ra.
Các doanh nghiệp Việt Nam, khi mà thị trường của Mỹ eo hẹp như vậy, đương nhiên sẽ phải tìm những thị trường khác. Những thị trường tương đương với Mỹ, để xuất hàng hóa tương đương với Mỹ, thì khả năng lớn sẽ là những thị trường phía châu Âu. Cũng có thể là cả một số thị trường khác ở những nước đang phát triển hoặc cũng có những nước Trung Đông, nhưng chủ yếu chắc sẽ là những thị trường châu Âu.
Ngoài ra, chính phủ Việt Nam cũng sẽ có những phản ứng, chẳng hạn tìm cách xoa dịu Mỹ bằng cách có thể là hối thúc các doanh nghiệp Việt Nam mua thêm hàng của Mỹ để cân bằng lại cán cân thương mại. Hoặc là sẽ có những động thái nào đó, có thể không thuộc phạm trù kinh tế, để xoa dịu Mỹ và cho thấy là Việt Nam có những thiện chí đối với Mỹ, để từ đó làm cho họ giảm thuế suất đi chẳng hạn. Thậm chí rất có thể Việt Nam cũng nghĩ đến chuyện mua vũ khí của Mỹ và lấy cái đó để làm một đòn bẩy nhằm giảm mức độ Mỹ áp những chính sách khó khăn về kinh tế đối Việt Nam.
Từ phía các nhà đầu tư chẳng hạn thì tùy thuộc vào mức độ ảnh hưởng mà họ sẽ phải đi tìm những nơi khác để đầu tư, bởi vì họ xem những chỗ nào đầu tư có lãi hơn. Nói chung là hoàn toàn phụ thuộc rất nhiều vào những con số cụ thể.
Alexander Vuving : Vâng, cái này cũng phụ thuộc vào việc chính quyền Trump sẽ nhìn nhận như thế nào. Họ sẽ đánh giá mức độ mà Việt Nam làm “trung gian” để đưa hàng Trung Quốc sang Mỹ. Tôi nghĩ là họ sẽ gây áp lực về vấn đề đó, bởi vì trên thực tế, có nhiều mặt hàng mà mức độ “xử lý” ở Việt Nam không nhiều, chủ yếu là hàng từ Trung Quốc, sau đó được xử lý một chút, rồi dán mã Việt Nam và đưa sang Mỹ.
Thế thì người ta sẽ điều tra ra sao? Thứ nhất là nếu không điều tra được thì họ sẽ đánh thuế theo mức độ “mặc định” và nhiều khả năng là nó sẽ quá lớn, có hại cho Việt Nam. Thứ hai, trong vấn đề này, chính quyền Việt Nam cũng có thể tìm cách hợp tác với Mỹ, để cho Mỹ thấy rằng họ có thiện chí trong việc hạn chế những luồng “thương mại trung gian”, tức là đi từ Trung Quốc sang rồi xử lý phết phẩy một chút ở Việt Nam và đưa sang Mỹ, hoặc trong vấn đề “kiểm soát đầu tư” của Trung Quốc ở Việt Nam, để nâng cao tính nội địa của Việt Nam.
Tôi nghĩ chắc chắn là Việt Nam sẽ tìm cách tỏ thái độ thiện chí và hợp tác với Mỹ, để từ đó phía chính quyền Trump sẽ giảm mức độ trừng phạt. Có thể thấy là còn phụ thuộc rất nhiều. Chính quyền Trump sử dụng cái gì thì mình cũng không biết được, bởi vì họ không theo những mô hình mà mình đã thấy từ trước.
Alexander Vuving : Chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc khả năng rất lớn là sẽ xảy ra trong thời của ông Trump. Và như thế Việt Nam đương nhiên là sẽ hưởng lợi, bởi vì vị trí của Việt Nam khiến cho Việt Nam có thể thành một trong những nơi được hưởng lợi lớn nhất. Hễ có xung đột thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc thì Việt Nam sẽ được hưởng lợi.
Lợi ít hay lợi nhiều thì còn phụ thuộc vào việc Mỹ sẽ có những trừng phạt nhất định đối với những kẻ mà họ cho là hưởng lợi một cách “không chính đáng”. Cho nên điều này còn phụ thuộc vào sự trừng phạt của Mỹ là mạnh hay yếu. Cho Việt Nam đương nhiên hưởng lợi chừng nào có chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, nhưng sự hưởng lợi này sẽ đi kèm với sự “bị trừng phạt”. Và “sự trừng phạt” thì như đã nói ở trên, mức độ có thể nhiều hoặc ít.
Alexander Vuving : Vâng, tôi cũng nghĩ như vậy. Tức là về vấn đề quy chế thị trường, nếu nói về những tiêu chí một cách khách quan, thì khả năng lớn là Việt Nam không đạt được, bởi vì mức độ can thiệp của nhà nước vào thị trường ở Việt Nam là có hệ thống.
Sự can thiệp này không chỉ có hệ thống mà còn nằm trong chủ trương, chính sách. Chủ trương, chính sách của Việt Nam, từ Hiến Pháp, từ nghị quyết, từ tất cả những văn bản chính thức, đều nói đến kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và ngoài ra còn nói rõ thêm về vai trò trụ cột của nền kinh tế quốc doanh. Với những điểm như vậy thì Việt Nam không thể nào đạt được những tiêu chí kinh tế thị trường như Mỹ đưa ra.
Vấn đề còn lại chỉ là chính quyền Mỹ, vì những lý do khác ngoài lý do kinh tế, ví dụ do quan hệ ngoại giao, địa-chính trị hay gì đó, mà họ nới lỏng cho Việt Nam, họ công nhận Việt Nam có kinh tế thị trường, để mà có quan hệ như thế nào với Việt Nam. Liệu những lý do chính trị và ngoại giao đấy có đủ mạnh để chính quyền Mỹ chấp nhận để bên bộ Ngoại Giao, rồi phía Nhà Trắng can thiệp vào công việc của bộ Thương Mại, ép bộ Thương Mại cho Việt Nam được hưởng quy chế thị trường hay không, điều này cũng phụ thuộc vào vấn đề đó.
RFI Tiếng Việt xin chân thành cảm ơn giáo sư Alexander Vuving, Trung tâm Nghiên cứu An ninh châu Á-Thái Bình Dương, Honolulu, Hawaii, Hoa Kỳ.
Người dân ở Hà Nội có thêm tuyến đường sắt đô thị thứ hai trong hành trình "Giao thông nhanh cho tương lai xanh". Lễ vận hành thương mại tuyến số 3 Nhổn - ga Hà Nội đoạn trên cao được tổ chức ngày 09/11/2024 sau ba tháng mở cửa đón khách. Là dự án mang tính biểu tượng cho quan hệ Việt - Pháp, tuyến số 3 được hai bên kỳ vọng tăng cường hợp tác song phương trong những dự án tương lai về phát triển đô thị bền vững và chuyển đổi năng lượng phát thải thấp.
Thành công của đoạn trên cao cũng « chứng tỏ năng lực của toàn thể đội ngũ Pháp - Việt Nam trong việc triển khai tốt các dự án hạ tầng đầy tham vọng của lĩnh vực vận tải đường sắt », theo nhận định của đại sứ Olivier Brochet khi trả lời phỏng vấn RFI Tiếng Việt :
« Tuyến đường sắt đô thị số 3 thực sự là một dự án biểu tượng cho sự hợp tác Pháp-Việt vì dự án đã được khởi công từ cách đây khá lâu và đó cũng là một dự án phức tạp cần chút thời gian để hoàn thành. Việc tuyến đường được đưa vào hoạt động vào tháng 08/2024 đã được mọi người trông đợi. Chúng tôi rất vui. Trước tiên vì đây là một thành công lớn về kỹ thuật. Tuyến đường hoạt động rất tốt, chỉ trong một tháng đã có gần 1 triệu người ở Hà Nội sử dụng tàu điện. Có thể thấy là tuyến đường sắt này đã tìm được vị trí của mình. Đây là điểm đầu tiên cần phải nêu bật và chúng tôi rất vui.
Tiếp theo là những mục tiêu. Phát triển bền vững giao thông đô thị là một thách thức đối với tất cả các thành phố lớn, dĩ nhiên là đối với cả Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Chính phủ Việt Nam muốn phát triển những loại hình giao thông đô thị một cách năng động trong những năm tới. Còn chúng tôi mong muốn làm việc với chính phủ Việt Nam bởi vì trước hết, giao thông đô thị bền vững là điều rất quan trọng cho người dân, giúp cải thiện điều kiện lưu thông, điều kiện sống hàng ngày bằng cách giảm thời gian di chuyển cho họ. Việc này cũng quan trọng đối với thành phố bởi vì đây là cách giảm ô nhiễm, giảm tắc đường. Chúng ta thấy ở Hà Nội, tình hình thường xuyên ở ngưỡng ranh giới, nhất là về mặt ô nhiễm đô thị vẫn còn rất nghiêm trọng.
Tiếp theo, tuyến tàu điện còn có vai trò quan trọng vì làm giảm khí phát thải CO2 trong giao thông vận tải. Đây là một thách thức cơ bản trong cuộc chiến chống tình trạng trái đất nóng lên. Các phương tiện giao thông, trên quy mô thế giới, chiếm gần 25% lượng khí phát thải. Trên khắp mọi nơi, người ta tìm cách làm giảm lượng khí này và cách tốt nhất là phát triển giao thông đô thị hiệu quả, hiện đại. Chúng tôi rất vui được giải quyết những thách thức này với chính phủ Việt Nam và chính quyền thành phố Hà Nội ».
Ngay trong 5 ngày đầu khai thác thương mại (08-12/08), tuyến số 3 đã phá kỷ lục lượt khách trải nghiệm tuyến 2A Cát Linh - Hà Đông, thu hút gần 300.000 lượt khách, trong đó chỉ riêng ngày 11/08 có đến 100.000 lượt, gần gấp đôi con số 58.000 lượt trong ngày 01/05/2023 của tuyến 2A. Không chỉ giữ chức năng phương tiện giao thông công cộng, tuyến số 3 được đối tác Pháp muốn biến thành không gian thư giãn, sinh hoạt chung cho hành khách mà không nhàm chán, tẻ nhạt với việc đưa nghệ thuật vào các công trình giao thông. Đây cũng là một thế mạnh của Pháp và được triển khai rộng rãi trong hệ thống tàu điện ngầm Paris-Ile de France.
Lần đầu tiên, một tác phẩm nghệ thuật công cộng được đặt tại nhà ga đường sắt đô thị. Tác phẩm Năm giờ sáng, Hà Nội thức giấc - Il est cinq heures, Hanoï s’éveille (lấy cảm hứng từ bài hát nổi tiếng Pháp Il est cinq heures, Paris s’éveille), được Cơ quan Phát triển Pháp - AFD tài trợ thông qua quỹ Metis và tặng thành phố Hà Nội, được đặt tại ga Cầu Giấy, đúng lễ vận hành thương mại đoạn trên cao và đặt biển khánh thành. Tác phẩm muốn truyền tải cùng lúc nhiều thông điệp về khuyến khích sử dụng giao thông công cộng, nhận thức về biến đổi khí hậu và chuyển đổi năng lượng, bảo tồn di sản văn hóa… Trong hành trình này, phía Pháp đã vận dụng rất nhiều công nghệ cao, hiện đại để tuyến số 3 xanh và bền vững, theo giải thích của đại sứ Olivier Brochet :
« Cam kết của Pháp trong quá trình xây dựng tuyến đường số 3, trước tiên là thông qua việc tài trợ bởi vì gần 50 triệu euro ngân sách đã được huy động từ kho bạc Pháp hoặc từ Cơ quan Phát triển Pháp AFD. Nhưng cam kết của Pháp còn được thể hiện qua việc huy động tinh hoa của công nghệ Pháp về giao thông đường sắt đô thị. Có thể thấy rất nhiều tên tuổi lớn trong lĩnh vực công nghệ Pháp, như Alstom, Colas Rail, Systra - một công ty kỹ thuật tổng hợp, RATP Smart Systems…
Tất cả những doanh nghiệp lớn của Pháp đều có kinh nghiệm dày dặn tại Pháp. Điều này được thấy trong kỳ Thế Vận Hội, các phương tiện giao thông đô thị đã đóng vai trò chủ đạo trong thành công của đại hội thể thao này. Những doanh nghiệp đó cũng được huy động trong dự án xây dựng mạng lưới Paris Express, hiện là dự án lớn nhất về giao thông đô thị ở châu Âu cho đến hiện nay. Người ta cũng thấy những doanh nghiệp lớn này của Pháp trong tất cả các dự án tàu điện trên thế giới, như ở Cairo (Ai Cập), ở Medellín (Colombia), ở Rabat (Maroc)… Và tất cả đều đang phục vụ tại Hà Nội và dĩ nhiên chúng tôi mong muốn phát triển thêm trong những dự án mới mà chính phủ Việt Nam dự kiến tiến hành trong những năm tới ».
Dự án khởi công năm 2009, theo kế hoạch hoàn thành năm 2015 nhưng nhiều lần lùi tiến độ và dự kiến hoàn thành năm 2027, riêng đoạn trên cao đã được khai thác thương mại từ tháng 08/2024. Tổng vốn đầu tư cũng bị tăng gấp đôi, từ hơn 18.000 tỉ đồng lên gần 36.000 tỉ đồng. Liệu những điểm này có trở thành một trở ngại trong khi Pháp cho biết sẵn sàng đồng hành với Việt Nam trong những dự án trong tương lai ? Trả lời thắc mắc của RFI Tiếng Việt, đại sứ Olivier Brochet giải thích :
« Những dự án lớn này đều là những dự án vô cùng phức tạp ở khắp mọi nơi, phức tạp về mặt công nghệ, phức tạp trong việc triển khai công trường bởi vì cần phải xây dựng những công trường quy mô lớn ở một thành phố mà cuộc sống vẫn tiếp diễn theo nhịp độ thông thường, phức tạp về mặt cơ chế, thực hiện các quy định mới của Nhà nước thiết lập các hệ thống này.
Vì tất cả những lý do tích tụ này dẫn đến những chậm trễ. Và tất cả các tuyến đường sắt đã được xây dựng đều bị chậm. Tuyến số 1 ở đây chẳng hạn cũng bị khởi công muộn. Tuyến mới ở thành phố Hồ Chí Minh, được hợp tác xây dựng với Nhật Bản, cũng bị trễ. Đây là việc bình thường vì cần phải có thời gian học tập. Điều quan trọng hiện nay là có thể sử dụng quãng thời gian học tập đó để tiết kiệm thời gian sau này, qua việc đã có những tác nhân hiểu rõ vấn đề, hiểu những trông đợi, nhu cầu của mỗi bên để có thể có những dự án tiến triển nhanh hơn, sớm mang lại kết quả và đến lúc đó sẽ cho phép làm chủ chi phí tốt hơn.
Chính vì thế mà chúng tôi đã đề xuất với chính phủ Việt Nam là bắt đầu suy nghĩ luôn đến việc kéo dài tuyến số 3. Có nghĩa là không phải công trình ngầm đã được khởi công và đang tiến triển mà ngay từ bây giờ, nên bắt đầu chuẩn bị cho việc kéo dài tuyến. Bởi vì nếu dự tính sớm thì sẽ giúp triển khai công việc tiếp theo sau khi hoàn thành công trình ngầm và như vậy sẽ tránh được các chi phí bổ sung liên quan đến việc giải thể các công ty tham gia xây dựng tuyến số 3 ».
Trong chuyến công du Pháp của chủ tịch nước Việt Nam kiêm tổng bí thư Tô Lâm từ ngày 03-07/10/2024, hai nước bày tỏ mong muốn tiếp tục hợp tác trong lĩnh vực giao thông vận tải hướng tới giảm phát thải carbon thông qua « Bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực Giao thông Vận tải ». Theo bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng, « đây cũng là lĩnh vực mà Việt Nam hết sức quan tâm nhằm thực hiện các cam kết tại Hội nghị lần thứ 21 Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu (COP21) và COP26 (phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050) trong lĩnh vực giao thông vận tải ».
Thực ra, theo trang Facebook Thông tin Chính phủ ngày 07/10, Việt Nam và Pháp đã phối hợp hoàn thành một số dự án trong lĩnh vực đường sắt, như hệ thống thông tin tín hiệu đường sắt đoạn Hà Nội - Vinh do tập đoàn Alstom và đối tác Việt Nam triển khai ; dự án Cải tạo và nâng cấp tuyến đường sắt Yên Viên - Lào Cai do Ngân hàng Phát triển châu Á và Pháp đồng tài trợ.
Ngoài dự án đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội, bộ Giao thông Vận tải đã đề nghị Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam và cơ quan AFD nghiên cứu cung cấp « Hỗ trợ kỹ thuật lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án cải tạo, hiện đại hóa tuyến đường sắt Hà Nội - Hải Phòng », có xét đến tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng được xây dựng mới trong tương lai. Báo Chính phủ ngày 04/11 cho biết Cục Đường sắt Việt Nam (trực thuộc bộ Giao thông Vận tải) đã trình hồ sơ Quy hoạch tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh đi qua 10 tỉnh/thành phố.
Cơ quan AFD, hiện là nhà tài trợ song phương lớn nhất khu vực châu Âu của Việt Nam, cũng được kêu gọi tiếp tục trao đổi, tìm kiếm cơ hội hợp tác trong các dự án đường sắt tại Việt Nam thời gian tới. Ông Philippe Orliange, giám đốc Cơ quan Phát triển Pháp tại Việt Nam, khẳng định AFD sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ vốn vay cho Việt Nam trong việc xây dựng và phát triển đường sắt cao tốc, lĩnh vực mà Pháp có thế mạnh và Việt Nam đang đặc biệt quan tâm, mong muốn thực hiện trong thời gian tới.
Liệu thành công của tuyến đường sắt đô thị số 3 Nhổn - ga Hà Nội tiếp thêm sức bật cho những dự án mới ? Dù sao, theo bản ghi nhớ ký tại Paris, Việt Nam và Pháp dự định hợp tác trong các lĩnh vực đường sắt, hàng hải và đường thủy nội địa ; tạo thuận lợi cho chuyển đổi năng lượng, giảm phát thải, tăng cường khả năng chống chịu và phục hồi, thích ứng với biến đổi khí hậu… Đây cũng là những lĩnh vực hợp tác truyền thống và rất năng động giữa hai nước từ nhiều năm qua.
Chiến thắng áp đảo của ứng cử viên Cộng Hòa Donald Trump trong cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ ngày 05/11/2024 sẽ có tác động đến toàn thế giới, đặc biệt là đến châu Âu.
Tại châu Á, trong khi một số đồng minh thân cận của Mỹ như Hàn Quốc hay Nhật Bản lo ngại khi thấy ông Trump trở lại Nhà Trắng, thì Việt Nam không sợ sẽ có những thay đổi lớn trong quan hệ với Hoa Kỳ, nếu có chăng thì đó là trong lĩnh vực thương mại, bởi lẽ chính quyền Trump nhiệm kỳ thứ hai cũng sẽ thi hành một chính sách mang tính bảo hộ mậu dịch đối với tất cả các nước, kể cả với Việt Nam.
Trong phần tạp chí hôm nay, xin mời quý vị nghe phần phỏng vấn tiến sĩ Vũ Xuân Khang, hiện là học giả thỉnh giảng (visiting scholar) về quan hệ quốc tế tại đại học Boston College, Hoa Kỳ.
RFI: Với việc Donald Trump trở lại Nhà Trắng, liệu chính sách châu Á của ông có sẽ tương tự như trong nhiệm kỳ đầu ?
Vũ Xuân Khang: Điều này còn phải trông chờ rất nhiều vào thành viên nội các của ông Trump trong tương lai, nhất là hai vị trí cố vấn an ninh quốc gia và ngoại trưởng. Tuy vậy, nhiệm kỳ 1 của Trump cho thấy là ông vẫn muốn duy trì hiện diện và ảnh hưởng của Mỹ trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, nhưng rõ ràng ông Trump sẽ theo một cách khác với các tổng thống trước. Ông luôn mong muốn các nước đồng minh Châu Á phải mạnh tay chi tiêu quốc phòng hơn và ký kết các hiệp định thương mại có lợi cho Mỹ nhiều hơn, do ông là một tổng thống ưu tiên lợi ích nước Mỹ trong ngắn hạn hơn là trong dài hạn.
Ông Trump có thể giảm sự hiện diện của Mỹ tại khu vực Đông Nam Á hoặc khu vực Châu Á nói chung khi nào các nước Châu Á không đáp ứng được yêu cầu của ông Trump, thứ nhất cắt giảm thâm hụt thương mại và thứ hai là đóng góp nhiều hơn vào việc bảo vệ an ninh khu vực, tăng chi phí quốc phòng để giảm gánh nặng cho Mỹ trong việc bảo vệ các nước đồng minh.
Các nước Châu Á trong thời gian tới sẽ cố gắng xoa dịu ông bằng cách mua hàng của Mỹ hay đầu tư nhiều hơn vào các doanh nghiệp Mỹ trên đất Mỹ nhằm giúp cho ông Trump gây được tiếng vang đối với cử tri trong nước, chứng tỏ là ông đã thực hiện được lời hứa Buy american, Hire american ( Mua hàng của Mỹ và Thuê nhân công Mỹ ).
RFI: Riêng đối với Việt Nam, từ nhiệm kỳ của Trump đến nhiệm kỳ của Biden, quan hệ Việt-Mỹ đã tiến triển như thế nào ? Có sự cách biệt nào đó hay có sự tiếp nối giữa hai nhiệm kỳ tổng thống?
Vũ Xuân Khang: Việt Nam may mắn là một trong những nước có được sự ủng hộ của lưỡng đảng Hoa Kỳ, do đó dù tổng thống là Cộng Hòa hay Dân Chủ, quan hệ Việt-Mỹ cũng sẽ có sự phát triển trong thời gian tới.
Quan hệ Việt-Mỹ đã có những bước tiến lớn từ năm 2017 đến nay cả dưới thời ông Trump nhiệm kỳ đầu tiên lẫn nhiệm kỳ Biden. Trong thời gian 7 năm qua, lần đầu tiên đã có một tàu sân bay Mỹ ghé cảng của Việt Nam vào năm 2018 và Mỹ vẫn tiếp tục chuyển giao các tàu tuần tra cho Cảnh sát biển Việt Nam, như một cam kết với an ninh của khu vực và đặc biệt đối với Biển Đông.
Dưới thời Biden, Việt Nam và Mỹ cũng đã nâng cấp quan hệ nhảy vọt lên thành đối tác chiến lược toàn diện và quan trọng nhất là Mỹ đã không trừng phạt Việt Nam sau khi cáo buộc Việt Nam thao túng tiền tệ vào giai đoạn cuối của nhiệm kỳ Trump 1. Mặc dù vào tháng 8 năm nay, Mỹ đã không cấp cho Việt Nam quy chế kinh tế thị trường để giúp hàng hóa Việt Nam nhập vào Mỹ với giá rẻ hơn, nhưng hai nước sẽ tiếp tục đàm phán về vấn đề này.
Có thể thấy là quan hệ giữa Mỹ với Việt Nam, khác với quan hệ với các đồng minh trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, sẽ tiếp tục phát triển bình thường và ổn định.
RFI: Trump đã từng nắm giữ chức tổng thống và đã từng sang thăm Việt Nam. Có lẽ là với chính quyền Trump nhiệm kỳ thứ hai, giới lãnh đạo Việt Nam không mấy xa lạ với phong cách lãnh đạo của ông? Họ có thể dễ dàng thích ứng với những chính sách mới mà ông sẽ thi hành đối với Việt Nam? Với chính quyền Trump 2, chắc là họ cũng sẽ tiếp tục áp dụng chính sách ngoại giao "cây tre"?
Vũ Xuân Khang: Đúng là như vậy. Từ giai đoạn 1990 đến nay, ngoại giao "cây tre" vẫn là hòn đá tảng của ngoại giao Việt Nam và Hà Nội sẽ không thay đổi chính sách này chỉ vì một tổng thống Mỹ nhậm chức. Điểm mạnh của ngoại giao "cây tre" là Hà Nội không đặt hết trứng vào một giỏ, nên cho dù ai đắc cử tổng thống Mỹ, chính sách ngoại giao của Việt Nam với Mỹ cũng sẽ không thay đổi.
Bài học này là Việt Nam học từ giai đoạn Việt Nam liên minh với Liên Xô vào những năm 1970-1980. Việt Nam đã đặt niềm tin vào lãnh đạo Liên Xô Leonid Brejnev, nhưng khi có thay đổi lãnh đạo,ông Mikhail Gorbatchov lên nắm quyền 1985, thì rõ ràng là chính sách đối ngoại của Việt Nam bị phụ thuộc rất nhiều vào chính sách đối ngoại của lãnh tụ Liên Xô. Do đó, khi ông Gorbatchov hòa hoãn với Trung Quốc, thì Việt Nam cũng đã bắt buộc thi hành chính sách hòa hoãn với Trung Quốc và rút quân khỏi Cam Bốt, do sức ép của Liên Xô.
Chính bài học này khiến Việt Nam phải cẩn thận hơn khi hành xử với các đối tác ngoại giao lớn. Chính sách ngoại giao "cây tre" sẽ giúp Việt Nam tập trung nhiều hơn vào việc phát triển quan hệ Việt - Mỹ nói chung, chứ không phải với một lãnh đạo nhất định nào cả. Trong thời gian tới, Việt Nam vẫn sẽ tập trung phát triển trao đổi kinh tế và công nghệ và hạn chế trao đổi quốc phòng với Mỹ do áp lực từ ngày xưa từ phía Trung Quốc đối với Việt Nam.
Một ví dụ rất lớn: Mặc dù đã rất bất ngờ khi ông Trump thắng cử vào năm 2016, Việt Nam đã rất nhanh chóng tiếp cận với chính quyền Trump. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã là lãnh đạo Đông Nam Á đầu tiên được ông Trump tiếp đón tại Nhà Trắng vào tháng 5/2017. Trong dịp đó, Mỹ và Việt Nam có các trao đổi về thương mại cũng như quốc phòng. Chỉ vài ngày trước cuộc gặp diễn ra, Mỹ đã chuyển giao 1 tàu tuần tra cho Cảnh sát biển Việt Nam như một cam kết là Mỹ vẫn có lợi ích ở khu vực Đông Nam Á.
Chính quyền Việt Nam sẽ không gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận ông Trump, do Việt Nam đã không tỏ ra ủng hộ bên nào hơn bên nào trong bầu cử tổng thống Mỹ, khác với các đồng minh Châu Á khác khi họ ủng hộ ứng cử viên Dân chủ Kamala Harris. Việc Việt Nam không phải là đồng minh của Mỹ cũng sẽ giúp Việt Nam có nhiều lựa chọn hơn và không bị bó buộc vào một chính sách đối với một ứng cử viên.
RFI: Có thể Hoa Kỳ sẽ tiếp tục xem Việt Nam là một đối tác quan trọng ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương và có thể giúp Hoa Kỳ kềm chế ảnh hưởng của Trung Quốc. Nhưng liệu có nguy cơ là ông Trump, với chủ trương America First ( Nước Mỹ trước hết ), sẽ thi hành một chính sách thương mại mang tính bảo hộ mậu dịch nhiều hơn và điều này sẽ có ảnh hưởng gì đến Việt Nam, nhất là vì Hoa Kỳ hiện là thị trường xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam?
Vũ Xuân Khang: Trump từ lâu đã tuyên bố cần phải giảm thâm hụt thương mại trong quan hệ với Việt Nam. Với tư cách là một tổng thống xuất thân từ giới kinh doanh và đặt ưu tiên là mọi người phải mua hàng của Mỹ và thuê nhân công Mỹ, ông Trump hiển nhiên không thích nước Mỹ bị Việt Nam "lợi dụng" về thương mại, theo cách nhìn của ông Trump.
Có khả năng cao là ông Trump sẽ ép Việt Nam mua nhiều hàng hóa của Mỹ hơn, thuê nhiều nhân công của Mỹ hơn và mở rộng các nhà máy ở Mỹ hơn, như tập đoàn Vinfast đã làm trong thời gian qua. Đây sẽ là cách ông Trump gây áp lực lên Việt Nam để làm giảm thâm hụt thương mại. Có thể yếu tố này, chứ không phải yếu tố Trung Quốc, sẽ quyết định sự phát triển của quan hệ Việt-Mỹ trong những năm tới.
Việt Nam cũng sẽ cần phải khôn khéo tránh các đòn trừng phạt thương mại của Mỹ, như cáo buộc thao túng tiền tệ, đồng thời nên chọn mua những mặt hàng của Mỹ nhằm phát triển công nghiệp 4.0 và trí tuệ nhân tạo, vì rõ ràng Mỹ vẫn là một nước có nền công nghiệp và công nghệ phát triển rất mạnh. Việt Nam cũng sẽ có lợi rất nhiều nếu như có thể chọn mua của Mỹ những thứ mà những nước khác không thể cung cấp cho Việt Nam. Đây cũng là một trọng tâm phát triển quan hệ Việt-Mỹ trong khuôn khổ đối tác chiến lược toàn diện ký kết vào năm ngoái, khi Việt Nam đặt nặng việc phát triển công nghệ bán dẫn và trí tuệ nhân tạo trong những năm tới.
Để bảo đảm an ninh năng lượng và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhưng vẫn thực hiện được cam kết về chống biến đổi khí hậu, Việt Nam đang muốn quay trở lại với các dự án điện hạt nhân đã bị bỏ dở trước đây.
Vào giữa tháng 9 vừa qua, chính phủ Hà Nội đã giao cho bộ Công Thương nghiên cứu việc phát triển điện hạt nhân của các nước, “để đề xuất phát triển loại năng lượng này tại Việt Nam trong thời gian tới”. Trên cơ sở đó, chính phủ “sẽ báo cáo Bộ Chính trị xem xét, quyết định”.
Trên thế giới hiện nay, nhiều nước đang quay lại điện hạt nhân để chống biến đổi khí hậu vì hạt nhân là nguồn điện hầu như không phát thải CO2.
Vào năm 2009, Quốc Hội Việt Nam đã phê duyệt kế hoạch xây dựng hai nhà máy điện hạt nhân ở Ninh Thuân, với tổng cộng 4 lò phản ứng hạt nhân với tổng công suất 4.000 MW. Các hợp đồng được giao cho tập đoàn Nhật Bản Japan Atomic Power Co và tập đoàn Nga Rosatom thực hiện, với tổng chi phí khoảng 8,9 tỷ đô la.
Nhưng một phần do những quan ngại từ tai nạn hạt nhân Fukushima năm 2011 và một phần do khó khăn về ngân sách vào thời gian đó, dự án này đã dừng lại vào năm 2016 theo quyết định trong Nghị quyết 31 năm 2016 của Quốc Hội. Đến năm 2022, khi giám sát về việc thực hiện nghị quyết này của Quốc Hội, Ủy ban Kinh tế đã đề xuất nên xem xét phát triển năng lượng hạt nhân “trên cơ sở đánh giá đầy đủ, khoa học, chính xác thực trạng và dự báo cung cầu năng lượng”.
Nay nhu cầu phát triển điện hạt nhân càng trở nên cấp thiết do Việt Nam đang gặp nhiều trở ngại trong chiến lược phát triển các nguồn năng lượng sạch, đặc biệt là điện gió ngoài khơi và khí đốt thiên nhiên, do các vấn đề về quy định và giá cả.
Trả lời RFI Việt ngữ ngày 27/09/2024, giáo sư Phạm Duy Hiển, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hạt nhân Đà Lạt, cũng cho rằng đã đến lúc phải xem xét trở lại khả năng phát triển điện hạt nhân:
“Trong bối cảnh chung , rõ ràng là khi kiểm tra lại các phương án, chúng ta có thể xem xét trở lại vấn đề hạt nhân, vì năng lượng này có thể đóng góp phần lớn và tạo thêm bức tranh chung, tức là tiến đến thực hiện cho được cam kết netzero cũng như các phương án điện khác.
Trước đây chúng ta gác việc ấy lại, nhưng bây giờ thấy cần thiết phải xem xét, nhưng đấy chỉ mới là xem xét thôi, chứ còn điện hạt nhân thì có nhiều loại lắm, vấn đề là xem xét loại nào.
Bây giờ tình trạng chung các nước đều như thế cả, cho nên nước nào cũng sẽ xem xét phát triển điện hạt nhân, nhưng mỗi nước có một điều kiện riêng. Khi xem xét Việt Nam cũng phải dựa trên điều kiện của Việt Nam để đề ra những phương án cụ thể, chứ thực chất là các loại năng lượng tái tạo vẫn tốt, nhưng bao giờ cũng có những khó khăn”.
Thật ra, theo hãng tin Anh Reuters, từ nhiều năm qua, Việt Nam đã vẫn tiếp tục thăm dò khả năng phát triển điện hạt nhân và đã thảo luận với những nước như Nga, Hàn Quốc và Canada về việc hỗ trợ phát triển các lò phản ứng hạt nhân cỡ nhỏ.
Việc phát triển điện hạt nhân hiện không được đề cập trong Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia đến 2030 ( Quy hoạch điện VIII ), nhưng trong báo cáo gửi các bộ ngành đề nghị góp ý cho dự thảo sửa quy hoạch này, bộ Công Thương có nhắc đến phát triển các nhà máy điện hạt nhân cỡ nhỏ (SMR) ở Việt Nam.
Theo Bộ này, các lò phản ứng module nhỏ có công suất khoảng 300 MW mỗi tổ máy, bằng một phần ba công suất của các lò truyền thống. Các nhà máy này sản xuất lượng điện có hàm lượng carbon thấp, thời gian xây dựng ngắn (khoảng 24-36 tháng).
Giáo sư Phạm Duy Hiển cũng đồng tình với việc phát triển các lò phản ứng hạt nhân cỡ nhỏ phù hợp với điều kiện của Việt Nam:
“Bây giờ nếu nói trở lại điện hạt nhân, ý kiến dứt khoát của tôi là không dùng điện hạt nhân như trước đây đã từng dự định làm ở Phan Rang theo mô hình các nhà máy thế hệ 3+, dùng công nghệ của Nga và của Nhật, rất là tốn kém, giải pháp về an toàn thì rất tốt, nhưng không cần thiết. Ví dụ như họ tính là nhà lò kiên cố đến mức mà máy bay có rơi thẳng xuống thì không sao cả. Để làm gì? Xác suất mà máy bay rơi xuống rơi xuống nhà lò thì cực kỳ thấp. Công nghệ đó có thể thích hợp với các nước tiên tiến. Bây giờ các nước đó xây những lò phản ứng cùng một lúc có thể cho ra hàng ngàn MW.
Còn bây giờ theo điện hạt nhân thì phải theo option mới, mà một trong những option đó là lò phản ứng hạt nhân cỡ nhỏ. Lò phản ứng này rất thích hợp vì không đòi hỏi nhiều về cơ sở hạ tầng về pháp lý, về xây dựng…, nhưng công suất tối đa chỉ 100, 200 MW, nên tất nhiên là phải cần nhiều lò.”
Nhưng giáo sư Phạm Duy Hiển nhấn mạnh, hiện trên thế giới chưa có lò phản ứng hạt nhân cỡ nhỏ nào sẵn sàng để được thương mại hóa:
"Nước nào cũng nói như vậy nhưng đâu đã có ai bán lò công suất thấp với giá tương đối phải chăng. Bộ Công Thương nếu có trình dự án cho Bộ Chính trị thì cũng để đấy, vì phải có thêm thời gian nghiên cứu và cũng chờ cho đến khi nào các lò công suất thấp đó được thương mại hóa, chắc chắn là phải sau năm 2030".
Nếu quyết định trở lại với các dự án phát triển điện hạt nhân, Việt Nam sẽ có thể trông chờ vào sự trợ giúp của nước nào? Trước mắt, có vẻ như Nga đang chiếm ưu thế trong số các đối tác tương lai của Việt Nam.
Theo báo chí trong nước, trong chuyến thăm cấp nhà nước của tổng thống Nga Vladimir Putin ở Việt Nam vào tháng 6/2024, hai bên đã khẳng định "phát triển năng lượng nguyên tử vì mục đích hoà bình là lĩnh vực hứa hẹn trong mở rộng hợp tác song phương giữa Việt Nam và Liên bang Nga."
Nhân dịp đó, Tập đoàn Năng lượng Nguyên tử Quốc gia Liên bang Nga (Rosatom) và Bộ Khoa Học và Công Nghệ Việt Nam đã ký bản ghi nhớ về lộ trình thực hiện Dự án Trung tâm Nghiên cứu khoa học công nghệ hạt nhân tại Việt Nam. Dự án này bao gồm lò phản ứng hạt nhân với công suất 10 MW sẽ được xây dựng tại thành phố Long Khánh (Đồng Nai).
Thật ra thì ba nhiệm vụ quan trọng của lò phản ứng tại Long Khánh chỉ là sản xuất đồng vị phóng xạ, dược chất phóng xạ để chẩn đoán, điều trị ung thư; chiếu xạ silic tạo vật liệu bán dẫn; triển khai các nghiên cứu về ứng dụng kỹ thuật hạt nhân và đồng vị phóng xạ. Nhưng đây được coi là cơ sở để "giúp nâng cao tiềm lực năng lượng nguyên tử cho Việt Nam trong giai đoạn tới", theo đánh giá của chính phủ Việt Nam.
Hàn Quốc, một trong những quốc gia cũng có thế mạnh về năng lượng nguyên tử, cũng đã tỏ vẻ rất quan tâm đến khả năng phát triển loại năng lượng này ở Việt Nam. Theo báo chí trong nước, khi hội kiến chủ tịch nước Tô Lâm ngày 02/08, đại sứ Hàn Quốc Choi Young Sam bày tỏ mong muốn của Seoul tăng cường hợp tác với Hà Nội trong việc phát triển nhà máy điện hạt nhân ở Việt Nam.
Trước đó, Công ty Thủy điện và Điện hạt nhân Hàn Quốc (KHNP) thuộc Công ty Điện lực Hàn Quốc (KEPCO) ngày 22/6/2023 tại Hà Nội đã ký kết biên bản ghi nhớ với Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam (VINATOM) về hợp tác nghiên cứu trong lĩnh vực điện nguyên tử và lò phản ứng module nhỏ (SMR).
Việc phát triển điện hạt nhân ở Việt Nam như đã nói ở trên phải cần nhiều năm, cho nên trước mắt, do nhu cầu tiêu thụ điện năng ngày càng lớn, Việt Nam phải cố gắng tiết kiệm điện, điều mà giáo sư Phạm Duy Hiển đã kêu gọi từ lâu:
"Tôi thấy rất mừng là nước đã nhận ra rằng mức tiêu thụ điện năng của mình là quá cao so với nhiều nước khác. Do đó ngay cả EVN ( Tập đoàn Điện lực Việt Nam ) cũng đã đề nghị nhà nước phải có một chính sách tiết kiệm điện một cách triệt để, thậm chí đề ra mục tiêu là hàng năm phải tiết kiệm 2% điện năng. Đấy là một chủ trương rất tích cực, góp phần vào mục tiêu chung, chứ không chỉ có việc phát triển các năng lượng tái tạo và những vấn đề khác."
Your feedback is valuable to us. Should you encounter any bugs, glitches, lack of functionality or other problems, please email us on [email protected] or join Moon.FM Telegram Group where you can talk directly to the dev team who are happy to answer any queries.