TẠP CHÍ ÂM NHẠC

Góc vườn âm nhạc của RFI

  • 9 minutes 9 seconds
    « Take my breath away », chuyện chưa kể về nhạc phim Top Gun

    Mỗi lần nhắc tới nhạc sĩ Giorgio Moroder, giới yêu nhạc nghĩ đến ngay một trong những bậc thầy của dòng nhạc pop điện tử, người đã làm nên tên tuổi của nữ hoàng disco Donna Summer. Nhưng ít ai nhớ rằng, Giorgio Moroder từng soạn những bản nhạc phim nổi tiếng như giai điệu thôi miên của Midnight Express (1978) hay ca khúc chủ đề của bộ phim Top Gun (1986) với Kelly McGillis và Tom Cruise trong vai chính.

    Mang tựa đề « Take my breath away », bài hát này do nhóm Berlin trình bày, khi được chọn làm nhạc chủ đề cho bộ phim Top Gun, đã nhanh chóng trở thành một trong những tác phẩm nhạc phim ăn khách nhất từ trước đến nay. Thành công vượt trội của phim Top Gun giúp cho ca khúc cất cánh bay cao, đi vòng quanh thế giới. Một thành tích ít có gì sánh bằng cho dù Lady Gaga được mời ghi âm « Hold my hand » ca khúc chủ đề của tập nhì : Top Gun Maverick.

    Đằng sau sự thành công của bài hát, có sự hợp tác chặt chẽ giữa hai tài năng thuộc vào hàng cao thủ. Giorgio Moroder giỏi hòa âm soạn nhạc, còn Tom Whitlock chuyên đặt lời. Cặp bài trùng này (nhóm sáng tác) đã cho ra đời nhiều bản nhạc ăn khách, trong đó có  « Danger Zone » viết cho Kenny Loggins (Top Gun) và « Meet me halfway » soạn cho bộ phim « Over the top » với Sylvester Stallone trong vai chính, nhưng không có bài nào của nhóm sáng tác này lập kỷ lục số bán vào năm 1986 như nhạc phẩm « Take my breath away », giúp cho Berlin trở thành một trong những nhóm tiêu biểu của dòng nhạc pop những năm 1980.

    Trả lời phỏng vấn tạp chí The Sunday Express, ca sĩ chính của nhóm Terri Nunn cho biết là nhóm Berlin đã hình thành từ những năm 1970 và đi biểu diễn trong hơn một thập niên liền, và đi biểu diễn trong hơn một thập niên liền. Trong lúc cả nhóm đang thực hiện phần ghi âm album thứ ba, thì nhà soạn nhạc kiêm sản xuất Giorgio Moroder, người từng làm việc với David Bowie và Blondie, ngỏ lời mời nhóm này ghi âm cho album nhạc phim Top Gun.

    Chỉ có điều là « Take my breath away » thuộc vào dạng power ballad, khúc nhạc tình với sức cuốn hút dũng mãnh, trong khi nhóm Berlin thời bấy giờ chủ yếu chơi nhạc rock indie. Nếu như ca sĩ chính Terri Nunn hưởng ứng một dự án như vậy, xem đây là cơ hội để tạo thêm danh tiếng cho ban nhạc, thì ngược lại nhạc sĩ John Crawford, tay đàn chính kiêm thành viên sáng lập ban nhạc lại không thích các bản nhạc mà anh cho là « thương mại », sang tác theo xu hướng thị trường. Theo John Crawford, đừng vì chuyện tiền bạc mà ghi âm theo đơn đặt hàng, vì đó không phải là hướng đi tốt nhất cho ban nhạc. Nhóm Berlin chủ trương thu thanh những sáng tác của họ, chứ không hát nhạc của người khác. Thế nhưng, ban nhạc lại nhượng bộ trước áp lực từ phía hãng đĩa và các nhà sản xuất : nhóm Berlin có thể hoàn tất album phòng thu thứ ba với điều kiện thu bài hát cho nhạc phim Top Gun.

    Kết quả là «Take my breath away » lập kỷ lục số bán với hơn 3 triệu bản, giành lấy hạng đầu thị trường Hoa Kỳ cũng như các nước châu Âu, hạng nhì tại Úc, Nam Phi hay Canada ….. Có khá nhiều nghệ sĩ nổi tiếng đã ghi âm lại bài hát này, kể cả Diana Ross Will Young và nhất là Jessica Simpson vào năm 2004 nhân dịp tái bản album « In this skin » của cô. Jessica Simpson cho biết cô rất yêu thích bài này kể từ lần đầu tiên khi được nghe giai điệu trong bộ phim « Top Gun », đến nổi cũng như nhiều cặp uyên ương khác cô đã chọn bài này nhân lễ đính hôn.

    Take my breath away của nhóm Berlin giành được giải Oscar năm 1986 trong hạng mục cho bản nhạc gốc hay nhất, đánh bại « Glory Of Love » của Peter Cetera ghi âm cho tập nhì của bộ phim The Karate Kid. Trên đà thành công bài hát này sau đó đã được phóng tác sang 12 thứ tiếng, kể cả tiếng Hoa và tiếng Nhật. Trong tiếng Việt bài này có khá nhiều phiên bản khác nhau : Lời đầu tiên là « Dìu Vào Tình Yêu » của ca sĩ Ngọc Huệ, lời thứ nhì « Tình yêu hững hờ » qua phần ghi âm của ca sĩ Nhã Phương. Lời thứ ba là của tác giả Khúc Lan, phóng tác thành nhạc phẩm « Nụ hôn xin hãy trao », từng được khá nhiều nghệ sĩ như Lâm Thúy Vân hay Kiều Nga ghi âm lại.

    Hầu hết các bản nhạc phim ăn khách trong những năm 1980 đều là những giai điệu có tiết tấu sôi động dồn dập (Flashdance, Fame Footloose, Mad Max III, Highlander, Eye of the Tiger …..) có lẽ cũng vì đó là xu hướng sáng tác thịnh hành vào thời bấy giờ. Về điểm này, à  « Against all odds » của Phil Collins,  « The Time of my Life »  trong phim Dirty Dancing hay  « Take my breath away » có thể được xem như những trường hợp ngoại lệ.

    Nhờ vào tài nghệ hoà âm, Giorgio Moroder đã tạo ra một nhịp điệu khác thường và âm thanh mới lạ cho bản ballad này, âm thanh lớp dày nhưng vẫn làm nổi bật được giọng hát của ca sĩ chính. Bản hòa tấu không lời khi được dùng làm nhạc nền phần đệm cũng giúp cho hình ảnh thêm mạnh mẽ lôi cuốn trong bộ phim Top Gun.  Tựa như một con dao hai lưỡi, thành công củaTake my breath away lại gây ra nhiều mối bất đồng sâu đậm trong ban nhạc Berlin. Ca sĩ chính Terri Nunn vui mừng khi bản ballad đã mang lại cho nhóm sự thành công trên thị trường quốc tế tạo thêm cơ hội cho nhóm này đi lưu diễn trên toàn thế giới. Ngược lại, thành viên sáng lập John Crawford lại không mấy hài lòng, vì thành công vượt bực sáng ngời của Take my breath away làm lu mờ hẳn các sáng tác của nhóm. Rốt cuộc sau hơn một năm đi biểu diển để quảng bá cho Take my breath away, trong lúc người hâm mộ còn thổn thức đắm say, nào ngờ ban nhạc Berlin đành phải chia tay.

    11 January 2025, 11:30 am
  • 9 minutes 1 second
    Nhạc Pháp lời Việt : « Tiếc nhớ cuộc tình » do ai sáng tác ?

    Mỗi lần nhắc tới ca sĩ kiêm tác giả Pierre Bachelet, giới yêu nhạc thường nghĩ đến ngay bài hát quen thuộc nhất của ông là « Elle est d'ailleurs » (Em xa nghìn trùng). Nhưng bên cạnh những bài hát nổi tiếng với giọng ca của mình, Pierre Bachelet còn từng soạn nhạc cho nhiều nghệ sĩ khác, đó là trường hợp của Véronique Jannot với giai diệu « Si t'as pas compris », từng được phóng tác sang tiếng Việt thành nhạc phẩm « Tiếc nhớ cuộc tình ».

    Sinh trưởng tại thành phố Annecy, vùng Haute-Savoie, Véronique Jannot ban đầu là một diễn viên rồi sau đó chuyển sang nghề ca hát. Vào nghề đóng phim từ năm 15 tuổi, cô thực sự nổi tiếng 5 năm sau nhờ bộ phim truyền hình nhiều tập « Pause Café ». Thành công bước đầu này thu hút sự quan tâm của các nhà sản xuất điện ảnh. Nhờ vào sự dìu dắt của ngôi sao màn bạc Pháp Alain Delon, Véronique Jannot có cơ hội chinh phục màn ảnh lớn, đóng vai nữ chính bên cạnh thần tượng Pháp Alain Delon trong bộ phim « Le Toubib » (Bác sĩ quân y). Trong vòng gần một thập niên sau đó, từ năm 1978 đến năm 1987, Véronique Jannot xuất hiện trong nhiều bộ phim Pháp quan trọng …. trong đó có tác phẩm « La dernière image » (Hình ảnh cuối cùng) từng được chọn đi tranh giải Cành co vàng tại Liên hoan Cannes năm 1986.

    Có thể nói là trước khi chuyển sang nghề ca hát, gương mặt của Véronique Jannot đã trở nên khá quen thuộc với công chúng Pháp nhờ vai diễn trong loạt phim truyền hình « Pause Café ». Trên đà thành công, giới sản xuất mới nghĩ tới chuyện mời Véronique thu thanh các bản nhạc chủ đề của bộ phim nhiều tập. Cô đồng ý hợp tác với điều kiện, cô được toàn quyền đặt lời cho bài hát. Thành công của bản nhạc này tạo cơ hội cho Véronique ký hợp đồng ghi âm đầu tay trong vòng 5 năm. Cô tiếp tục đặt lời bài hát và cho ra mắt nhiều giai điệu ăn khách. Chính trong giai đoạn này, cô có dịp hợp tác nhiều lần với nhóm sáng tác của Pierre Bachelet, điển hình với các nhạc phẩm « Ma repentance » và nhất là « J'ai fait l'amour avec la mer ».

    Vào lúc bấy giờ, Pierre Bachelet đang thành công rực rỡ trong làng nhạc Pháp. Sau khi lập kỷ lục số bán cuối năm 1980 với nhạc phẩm « Elle est d'ailleurs » (phiên bản phóng tác tiếng Việt là Em xa nghìn trùng) Pierre Bachelet được mời soạn nhạc cho nhiều giọng ca nữ ăn khách thời ấy, trong số này có Dalida, Jane Birkin hay Nicole Croisille …. Vào năm 1985, ông sáng tác một giai điệu mà ban đầu được dành cho nhạc phim, nhưng khi được tặng cho Véronique Jannot lại trở thành nhạc phẩm « Si t'as pas compris » (Nếu anh vẫn chưa hiểu).

    Sự nghiệp ca hát của Véronique Jannot kéo dài trong hơn một thập niên, sau tác giả Pierre Bachelet, cô lại tiếp tục thành công nhờ hợp tác với bạn đời của cô là nhạc sĩ trứ danh Laurent Voulzy với nhiều bản nhạc ăn khách như « Aviateur » hay « Désir, Désir ».

    Đang trong giai đoạn thành công, Véronique Jannot lại gặp bất đồng với nhà sản xuất Claude Carrère. Một khi hết hợp đồng, sự nghiệp ca hát của cô bị lu mờ từ đầu thập niên 1990. Trong những năm sau đó, cô bớt di hát và nối lại với nghề đóng phim truyền hình, viết sách, đọc truyện thiếu nhi .... Mãi đến năm 1998, tức gần một thập niên sau, Pierre Bachelet mới thuyết phục được Véronique Jannot trở lại phòng thu để ghi âm một số nhạc phẩm mới, nhưng không có bài nào ăn khách bằng những bài hát đầu tiên, đánh dấu sự hợp tác giữa hai nghệ sĩ này.

    Về nội dung, có thể nói là nhạc phẩm « Si t'as pas compris » (Nếu anh vẫn chưa hiểu) có nhiều nét gần giống với « Je t'oublie pas » (Không thể quên anh) của Corynne Charby, nhất là trong cách dùng ngôn từ phủ định nhưng theo văn nói thay vì văn viết, để tạo thêm sự gần gũi với người nghe. Khi được đặt thêm lời Việt, bản nhạc này được tác giả Phạm Duy phóng tác thành nhạc phẩm « Tiếc nhớ cuộc tình », thành công nhờ các bản ghi âm của danh ca Ngọc Lan và gần đây hơn nữa là của ca sĩ Thùy Dung : 

    Lẽ gì người vẫn chưa hiểu, tim ta chỉ một tình yêu. Cớ chi đắm say quá đỗi, nên quên mọi thứ trên đời. Làn môi hôn tóc rối bời, hương tình xõa nhẹ chăn gối.

    4 January 2025, 10:24 am
  • 9 minutes 38 seconds
    Michael Learns To Rock - Ba thập niên gắn bó với khán giả châu Á

    Michael Learns To Rock, ban nhạc Đan Mạch chiếm lĩnh trái tim hàng triệu người hâm mộ châu Á nhưng gần như không có tiếng tăm tại châu Âu hay Mỹ. Nhóm nhạc có kỳ tích mà nhiều nghệ sỹ phải nể phục: 1 tỷ lượt xem trên Youtube, 350 triệu nghe trên Spotify, 11 triệu đĩa hát tiêu thụ trên toàn cầu.

    Thời kỳ thành lập

    Ban nhạc Michael Learns to Rock (MLTR) thành lập vào năm 1988 tại thành phố Arhus, Đan Mạch. Lúc đó, ca sỹ chính Jasha Richer lên ý tưởng thành lập ban nhạc với các bạn học phổ thông và mời tay trống Kare Wanscher tham gia. Họ nhận thấy hạn chế của bộ đôi nên chiêu mộ thêm tay guitar, Mikkel Lentz và cây bass Soren Masden. Tại thời điểm đó, Jasha đã sở hữu một số bài hát anh tự sáng tác. Nhóm đã có buổi biểu diễn đầu tiên tại Rock Grand Prix và festival âm nhạc mùa hè Aarhus Outdoor Festival tại thành phố quê hương. Cho dù lượng khán giả rất khiêm tốn, may mắn mỉm cười với họ khi tờ báo địa phương đánh giá là nhân tố tài năng mới. Đồng thời, nhóm lọt vào mắt xanh của thành viên Ban giám khảo, Jens Peter Andersen. Ông đã trở thành quản lý của nhóm để giúp nhóm có album phòng thu đầu tay năm 1991. Album cùng tên, lọt vào bảng xếp hạng Đan Mạch và ít lâu sau chiếm lĩnh thiện cảm của khán giả châu Á nhờ ca khúc The Actor (Diễn viên). Riêng tại Indonesia, album này tiêu thụ tới 25.000 bản và trở thành hiện tượng tại quốc gia Hồi giáo.

    Thành công rực rỡ thập niên 90

    2 năm sau, album phòng thu tiếp theo, Colours(Sắc màu) năm 1993, chính thức làm bệ phóng cho danh tiếng ban nhạc lan rộng khắp Châu Á. Ba ca khúc Sleeping Child, 25 Minutes, Out of the bluestrở thành thỏi nam châm khổng lồ với khán giả Châu Á. Các bản hit nói trên đều theo đuổi phong cách soft-rock, ballad (tình ca) theo khuôn mẫu bản nhạc pop truyền thống (2 khổ, 1 điệp khúc). Nội dung đề cập về tình yêu, sự đời chờ và mất mát trong tình yêu. Đặc biệt, nhóm sử dụng ngôn ngữ tiếng Anh rất đơn giản, câu ngắn ngọn và giản lược. 25 Minutes (Muộn 25 phút) là ví dụ sinh động của câu chuyện tình tay ba. Họ kể một câu chuyện tình yêu giản dị có phần ngây ngô : yêu đơn phương và đợi chờ. Phải chăng vì thế gu kể chuyện giản đơn này giúp họ lại gần văn hóa khán giả châu Á nhiều hơn ?

    I find her standing in front of the church, The only place in town where I didn't search, She looks so happy in her wedding dress, But she's crying while she's saying this, Boy I missed your kisses all the time but this is Twenty five minutes too late.

    Tôi thấy cô ấy đứng trước nhà thờ, Nơi duy nhất trong thị trấn tôi đã không tìm kiếm, Cô ấy trông hạnh phúc trong chiếc váy cưới, Nhưng cô ấy khóc khi nói điều này : Em đã lỡ nụ hôn của anh nhưng lần này anh đã muộn quá 25 phút.

    Âm nhạc pop khuôn mẫu không theo xu thế

    Khác với các ban nhạc cùng thời, MLTR không chạy theo xu thế và cũng không đổi mới bản thân. Họ trung thành với khuôn mẫu soft-rock, pop ballad suốt hơn 30 năm tồn tại. Bộ tứ Đan Mạch chịu ảnh hưởng lớn từ Elton John, The Beatles, Rolling stones, ABBA, Bee Gees. Các nghệ sỹ tên tuổi đều chú trọng nội dung, chất lượng âm nhạc và ca từ. Vì vậy, phần ca từ của MLTR rất chau chuốt và có câu chuyện rõ ràng. Có ý kiến cho rằng nhóm chịu ảnh hưởng từ Michael Jackson nhưng họ luôn phủ nhận điều đó. Tuy nhiên, nội dung bài hát không có tính ẩn dụ, triết lý sâu sắc như các nghệ sỹ họ chịu ảnh hưởng.

    Trưởng nhóm Jascha chủ yếu sáng tác trên piano sau đó tay guitar Mikkel sẽ phát triển thêm, chỉnh sửa để cho ra sản phẩm cuối cùng. Theo Mikkel, âm nhạc MLTR không theo thể loại nào ngoại trừ âm thanh pop rất kinh điển. Phần lời chính (verse) gồm 1 hoặc 2 khổ thơ, sau đó phần điệp khúc có cao trào mạnh mẽ về giai điệu cũng như nhịp điệu. Các bản hit như That’s why you go away, Paint my love, Someday đều chế biến theo công thức này. Hơn thế, nhóm còn chăm chút đoạn solo nhạc cụ chủ yếu guitar hay keyboards vào phần chuyển bài. Chủ đích này khiến cho bài hát mềm mại và êm dịu, nhưng không hợp gu khán giả Anh, Mỹ do bố cục kém gọn gàng, thiếu cao trào mãnh liệt.

    Tình yêu của khán giả Châu Á

    Một số tạp chí âm nhạc đã tìm hiểu nguyên nhân MLTR hâm mộ ở Châu Á đến vậy. Một trong số câu trả lời gây ngạc nhiên nhất: Karaoke. Văn hóa karaoke rất thịnh hành tại các nước Đông Nam Á như Philipinnes, Indonesia, Thái Lan và Việt Nam. Các ca khúc MTLR làm mưa làm gió theo phong trào karaoke không có gì lạ lẫm. Giai điệu dễ nghe, ca từ đơn giản, nên người hâm mộ dễ dàng thấm nhuần câu chuyện tình yêu. Phần lớn nhạc beat các bài hát tương đối giống nhau nên thể hiện qua karaoke rất thuận lợi.

    I’m not an actor, I’m not a star, And I don’t even have my own car, But I’m hoping so much you’ll stay, That you will love me anyway.

    Anh không phải là diễn viên, Anh không phải là ngôi sao , Anh không có xe hơi riêng, Nhưng anh hy vọng rằng em sẽ ở bên anh, Và bất chấp thế, em sẽ yêu anh.

    Ngoài ra, Indonesia, đất nước đông dân thứ 4 thế giới, có lẽ là nơi khởi nguồn cho cơn sốt MLTR lan rộng châu Á. Bản hit The Actor (Diễn viên) leo lên hạng 1 tại Indonesia nhờ người quản lý hãng Aquarius Musikindo, Agus Syarif Hidaya. Trong khi các công ty đối thủ phát hành album nhạc của siêu sao Bon Jovi, Madonna, hãng đĩa này quyết định tung ra sản phẩm mới lạ MLTR. Ban nhạc bắt đầu lưu diễn Châu Á từ năm 1994 trở thành ngôi sao sáng chói tại lục địa này, từ Cam Bốt cho tới nơi xa xôi như Papua New Guinea. Âm nhạc dễ nghe kết hợp ca từ ủy mị, hơi buồn tẻ, nhân vật trong câu chuyện của họ ngây ngô, chất phác. Sự cộng hưởng các yếu tố này có lẽ chiếm lĩnh thiện cảm với khán giả Châu Á nhờ sự gần gũi văn hóa.

    Ban nhạc đã trải qua nhiều chông gai để tới miền đất hứa. Họ từng bị từ chối hợp đồng ghi âm tại Anh do ca từ quá đơn giản. Họ giành hợp đồng tại Mỹ nhưng hãng đĩa lại sớm phá sản. Album thứ hai không được đón nhận tại Đan Mạch do trào lưu pop/soft-rock thoái trào. Khán giả Châu Á trở thành “thiên thần hộ mệnh” cho nhóm nhạc với 10 album phòng thu. Hiện tại, nhóm chỉ còn 3 thành viên, do tay bass Søren Madsen rời nhóm theo đuổi sự nghiệp solo. Ban nhạc thổ lộ họ thực sự trúng độc đắc tại Châu Á. Tình yêu từ khán giả Châu Á mang đến cho họ cuộc sống sung túc tại Đan Mạch, một quốc gia vô cùng đắt đỏ. Quả thực, âm nhạc của MLTR còn đắt hơn thế nhờ tích lũy giá trị hơn ba thập kỷ !

    (Theo New York Times, Wikipedia, All Music)

    1 January 2025, 1:35 pm
  • 9 minutes 36 seconds
    Endless Love : Ngàn sau vương vấn, tình yêu bất tận

    Trong số những bài hát nổi tiếng vào những năm 1980, « Endless Love » có lẽ là giai điệu lãng mạn tha thiết nhất. Nhạc phẩm này là bài hát chủ đề của bộ phim « Endless Love » phát hành năm 1981.Tuy được phóng tác từ một quyển tiểu thuyết ăn khách, nhưng bộ phim cùng tên lại không thành công. Ngược lại bài này đã nhận được đề cử Oscar, Quả cầu vàng và giành được giải thưởng American Music awards dành cho bài hát hay nhất năm 1982.

    « Endless Love » là một trong những sáng tác đầu tiên trong giai đoạn khởi nghiệp của Lionel Richie, ban đầu là nhạc sĩ chơi kèn saxophone trước khi trở thành ca sĩ chính trong nhóm Commodores. Lionel Richie vẫn đi hát cùng với nhóm khi gặp mặt đạo diễn Franco Zeffirelli. Thành danh vào năm 1968 nhờ bộ phim Chuyện tình « Romeo & Juliet », ông đã yêu cầu Lionel Richie soạn nhạc nền cho bộ phim « Endless Love » (Tình yêu bất tận), với Brooke Shields trong vai chính và cũng đánh dấu lần xuất hiện đầu tiên trên màn ảnh lớn của Tom Cruise, trong một vai phụ. Lionel Richie nối bước các bậc đàn anh Nino Rota (A time for Us) và Francis Lai (Love Story) vài năm sau đó.

    Khi vào phòng thu thanh, Lionel Richie đã sử dụng một đoạn nhạc mà anh đã từng viết cho nhóm Commodores nhưng chưa bao giờ ghi âm. Vào phút chót, đạo diễn Franco Zeffirelli đã thay đổi ý kiến và đề nghị biến nhạc phim thành một bản song ca, với một trong những giọng ca nữ ăn khách nhất thời bấy giờ là Diana Ross. Nhờ có nhiều kinh nghiệm viết những bản tình ca lãng mạn, Lionel Richie đã chấp bút sáng tác lời bài hát, sử dụng những hình tượng cường điệu để thể hiện niềm đam mê tuyệt đối, tình yêu đầu đời như hơi thở cần cho nhịp đập con tim, phù hợp với tựa đề và nội dung của bộ phim.

    Để cùng nhau ghi âm bài hát này, Diana Ross buộc phải thức khuya, còn Lionel Richie đã phải chịu khó dậy sớm. Trả lời phỏng vấn tờ báo The Sun, Lionel Richie cho biết hai người đã hẹn gặp nhau để làm việc tại phòng thu thanh ở Reno, Nevada (sáng sớm ngày 08/05/1981). Ngay sau một buổi hòa nhạc ở gần Lake Tahoe, Diana Ross đến thẳng phòng thu, còn Lionel Richie đến từ thành phố Los Angeles. Buổi ghi âm bắt đầu vào khoảng 3 giờ rưỡi sáng. Chưa đầy hai giờ sau, hai nghệ sĩ đã hoàn tất phần ghi âm vào băng gốc giọng hát của mình. Bài hát này được thu thanh gấp rút vì Diana Ross khá bận rộn với đợt lưu diễn và nhất là Lionel Richie phải hoàn tất bản song ca sao cho kịp thời điểm phát hành bộ phim.

    Khi được phát hành trên đĩa nhựa, « Endless Love » đã vươn lên hạng đầu thị trường Mỹ vào mùa hè năm 1981 trong 9 tuần liên tục, trở thành bài hát ăn khách nhất của hãng đĩa Motown, cho tới khi nhóm Boyz II Men phá kỷ lục này một thập niên sau đó với nhạc phẩm « End of the Road » (13 tuần ở vị trí quán quân vào năm 1992). Diana Ross và Lionel Richie sau đó đều thành công trên những quỹ đạo khác nhau. Thành danh trong thập niên 1960 với nhóm The Supremes, Diana Ross trở thành mot ngôi sao nhạc pop trong nhiều thập niên liền. Còn Lionel Richie mới bắt đầu sự nghiệp solo, nhờ giai điệu « Endless Love » mà đạt được đỉnh cao trong thập niên 1980, với bốn bài hát giành lấy hạng đầu thị trường Hoa Kỳ. (Truly, All night Long, Hello, Say you Say me).

    Nếu bộ phim không thành công lắm, ca khúc chủ đề lại trở thành một trong những đĩa đơn ăn khách nhất năm 1981, về lượng đĩa tiêu thụ, chỉ kém hơn một chút so với nhạc phẩm « Bette Davis Eyes » của Kim Carnes. Năm 1994, đến phiên Mariah Carey và Luther Vandross ghi âm lại bản song ca này, thành công rực rỡ (hạng nhì) trên thị trường Mỹ. Ngoài phiên bản solo của ca sĩ nhạc đồng quê Kenny Rogers, Lionel Rcichie còn thực hiện một phiên bản song ca thứ nhì, lần này ghi âm với Shania Twain.

    « Endless Love » dược ghi âm trong 8 thứ tiếng, kể cả tiếng Hoa, tiếng Tiệp, tiếng Đức, Hà Lan, Tây Ban Nha, Phần Lan hay Thụy Điển. Còn trong tiếng Việt, giai điệu này có hai lời khác nhau. Phiên bản đầu tiên do Trung Hành phóng tác dưới tựa đề « Yêu đến nghìn sau » và cùng ghi âm với nữ ca sĩ Thái Thảo. Phiên bản thứ nhì « Mãi mãi bên nhau » của tác giả Nguyễn Hoàng Đô, do hai ca sĩ Thùy Dung và Anh Tuấn trình bày.

    Không phải ngẫu nhiên mà tạp chí Billboard xếp nhạc phẩm « Endless Love » vào hàng đầu của những bài song ca hay nhất mọi thời đại. Tựa như hơi thở bâng khuâng, bóng hình lưu luyến bước chân, người là tình yêu bất tận, cho tim vướng bận hồng trần.

    28 December 2024, 11:57 am
  • 9 minutes 16 seconds
    40 năm Last Christmas : Lưu luyến kỷ niệm, Giáng Sinh kinh điển

    Nhạc phẩm Last Christmas của George Michael, cùng với giai điệu All I want for Chistmas is You của Mariah Carey có lẽ là những bản nhạc pop nói về Giáng Sinh ăn khách nhất mọi thời đại. Được ghi âm vào năm 1984, thời George Michael còn là ca sĩ chính của ban nhạc Wham, bài hát ban đầu được sáng tác nhằm gây quỹ từ thiện. Ngay từ khi ra đời, Last Christmas đã nhanh chóng chinh phục thị trường quốc tế, vào mỗi năm lại ăn khách khi mùa Giáng Sinh lại về.

    Năm 2024 đánh đấu đúng bốn thập niên ngày phát hành bản nhạc Last Christmas. Trái với những bản nhạc Noël thường có giai điệu tươi vui, nhẹ nhàng, Last Christmas lại là một giai điệu u buồn, day dứt khôn nguôi, câu chuyện của một mối tình tan vỡ trong mùa Giáng Sinh năm nào. Chất giọng biểu cảm hát với trọn tâm hồn của George Michael khiến cho giai điệu Last Christmas càng thêm tha thiết trữ tình. Người khác thì vui hết mình, còn nhân vật trong bài hát lại lẻ bóng tuyệt vọng giữa mùa Giáng Sinh.

    Về hoàn cảnh sáng tác bài hát, Andrew Ridgely thành viên của nhóm Wham đã kể lại đầu đuôi câu chuyện với tờ báo The Mail On Sunday năm 2017. Bài hát này ra đời vào một ngày mùa hè năm 1984 khi George Michael rủ Andrew đến thăm bố mẹ của anh. Sau buổi ăn trưa, Andrew Ridgeley ngồi trò chuyện vui vẻ với gia đình của George Michael trong phòng khách, âm thanh tivi bật nhỏ để mọi người hàn huyên tâm sự với nhau. Hầu như không ai để ý, George Michael đã lên phòng ngủ của anh ở tầng trên trong khoảng một giờ.

    Đến khi George từ trên lầu xuống lại phòng khách, nam ca sĩ này vui mừng phấn khích như thể anh vừa tìm thấy một kho tàng. Hiểu theo nghĩa bóng, George Michael thực sự đã đào đúng mỏ vàng. Andrew cùng với George lên căn phòng trên lầu, nơi mà từ thời còn nhỏ họ luôn đàn hát với nhau, nhại lại trên đàn phím những bản nhạc nổi tiếng, dùng máy thu thanh nhỏ để ghi âm lại những cảm hứng bất chợt.

    Đó là lần đầu tiên Andrew được nghe sáng tác của George, đoạn nhạc mở đầu và phần điệp khúc có giai điệu u buồn mà hết sức quyến rũ. Trước khi bài này đươc đặt tên là Last Christmas, Andrew đã cảm nhận được ngay nét tuyệt vời trong giai điệu. Tuy vừa tròn 20 tuổi, nhưng George Michael lại có bàn tay phù thủy, nhờ thuật giả kim mà biến tất cả những gì anh đụng đến thành vàng. Việc kể lại câu chuyện phản bội trong tình yêu, theo Andrew, vẫn là một tuyệt chiêu. Một cách tài tình, George Michael đã lén chạm vào cảm xúc vủa người nghe để rồi đánh cắp trái tim của họ từ lúc nào không hay.

    Về nội dung, có thể thấy ngay là Last Christmas chọn Giáng Sinh làm bối cảnh nhiều hơn là chủ đề bài hát. Do ca khúc nói lên tâm trạng u sầu của một kẻ thất tình, cho nên nhiều người cho rằng bản nhạc không hợp với tinh thần của ngày lễ Giáng Sinh, khi hạnh phúc niềm vui về với mọi gia đình. Dù vậy, Last Christmas vẫn nhanh chóng nổi tiếng, với thời gian trở thành một tác phẩm kinh điển. Về điểm này, Last Christmas lại gần giống với trường hợp của nhạc phẩm Happy New Year của ban nhạc ABBA, cũng là một tình khúc nói về sự đổ vỡ nuối tiếc, buồn nhiều hơn vui, dù trong bối cảnh đón mừng năm mới.

    Không phải ngẫu nhiên mà cả hai nhạc phẩm Last Christmas cũng như Happy New Year đều trở nên cực kỳ phổ biến, từ năm này qua năm nọ, giai điệu bài hát vẫn làm thổn thức hàng triệu con tim, nhiều thế hệ người hâm mộ vẫn rung động say đắm. Sức sống bền bỉ của Last Christmas một phần là do có rất nhiều nghệ sĩ trứ danh đã hát lại bài này, trong giới ca sĩ Anh-Mỹ có Ariana Grande, Ashley Tisdale, Coldplay, Kim Wilde, Kylie Minogue, Carly Rae Jepsen hay Taylor Swift…

    Sau khi thành công trong tiếng Anh, Last Christmas lập kỷ lục là bài hát Giáng Sinh có nhiều bản cover nhất, cũng như được ghi âm trong nhiều thể loại âm nhạc. Bài hát từng được phóng tác sang hơn 10 ngôn ngữ, kể cả tiếng Ý, tiếng Đức, tiếng Tiệp, Hà Lan, Hy Lạp, Thụy Điển Phần Lan, Iceland, Tây Ban Nha, tiếng Hoa, tiếng Hàn hay tiếng Nhật. Cứ mỗi năm, Last Christmas lại cho ra đời thêm hàng chục bản phối mới. Trong tiếng Pháp, bài này từng được Dalida ghi âm lại thành nhạc phẩm Reviens moi với phiên bản hòa âm mới vào năm 2024. Còn trong tiếng Việt, bài này cũng có khá nhiều lời khác nhau, nổi tiếng nhất là phiên bản của các ca sĩ Lam Trường và Thanh Hà.

    Lời thứ nhất mở đầu với những câu như sau : « Nhớ Giáng Sinh ngày xưa ta đã quen, bầu trời khuya muôn ánh sao , tình yêu rất mơ mộng. Mắt em và hơi nến lung linh đã mang đến cho anh những cơn mộng. Với phút giây tình yêu sao vỡ thay, cuộc tình tan theo khói mây, về đâu những ưu hoài. Có anh từ nay sẽ không quên, chiếc hôn đã trao nhau rất êm đềm »...

    Lời thứ nhì dù khác đi một chút cũng nói về một mối tình dang dở  : « Last Christmas, ngày nào ta có nhau và tình yêu ta đã trao giữa đêm thánh nhiệm màu. Giáng Sinh, ngàn sao sáng lung linh, như mừng đôi ta dệt mối duyên tình. Những ước mơ cùng với nhau, nay anh mang đi rồi và mãi mãi xa rời nhau. Những lời yêu dấu cũng khúc hát lấp vào đêm thâu, ôi tình yêu gì đâu chưa thắm đã phai màu »...

    Mùa Noël về đem lại những khoảnh khắc ấm áp êm đềm, nhưng trên thế giới này cũng có những thoáng lưu luyến hoài niệm trong tâm hồn, khoảnh khắc lặng thinh sâu lắng nhạc buồn. Sự kiện tác giả bài hát George Michael đột ngột qua đời vào đêm Noël càng tạo thêm cho bài Last Christmas vầng hào quang sáng chói lung linh huyền thoại. Trong đêm Giáng Sinh, ly sâm banh thơm nồng, khiến ai chạnh lòng biết còn thương nhớ gì không. Tình yêu giữa mùa đông, như mây trôi bềnh bồng, cho hoài niệm mênh mông, khi xa vắng cõi lòng.

    21 December 2024, 11:16 am
  • 9 minutes 14 seconds
    Nhạc Pháp lời Việt : 50 năm tình khúc « Người lìa xa »

    Năm 2024 đánh dấu đúng 50 năm ngày phát hành nhạc phẩm « Tu t'en vas ». Đây là bản song ca nổi tiếng của Alain Barrière và Noëlle Cordier được phát hành trên đĩa nhựa 45 vòng vào tháng 11/1974 và được chon làm tựa đề cho album phòng thu thứ 12 của danh ca người Pháp vào đầu năm 1975. Bài này từng được phóng tác sang tiếng Việt thành nhạc phẩm « Người lìa xa ».

    Do Alain Barrière sáng tác và ghi âm cùng với Noëlle Cordier, bài song ca đã thành công rực rỡ trên thị trường quốc tế, giành hàng đầu các bảng xếp hạng tại nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt là ở Áo, Bỉ, Thụy Sĩ và các nước nói tiếng Pháp. Bài hát cũng lọt vào bảng xếp hạng các bài hát ăn khách tại Đức, Ý, Tây Ban Nha, Brazil hay Canada. Với hơn 2 triệu bản được bán trên thi trường Pháp, bản song ca trở thành  đĩa hát thành công nhất trong sự nghiệp của Alain Barrière (cũng như của Noëlle Cordier). Tuy có ghi âm sau đó một so bài hát khác khá ăn khách, nhưng không có bài nào lặp lại được một thành tích như vậy.

    Thành danh trong làng nhạc Pháp vào năm 1964 với nhạc phẩm « Ma vie » (Đời tôi), Alain Barrière trở thành một ca sĩ kiêm tác giả sáng giá những năm 1960, cho dù  ông chọn đứng hẳn bên lề phong trào nhạc trẻ tại Pháp. Cũng như nam danh ca Adamo, Alain Barrière chủ yếu đeo đuổi việc sáng tác những bản ballad trữ tình lãng mạn, với chất giọng biểu cam, hát với trọn tâm hồn khi ghi âm trong phòng thu cũng như khi biểu diễn trên sân khấu. 

    Vào đầu những nam 1970, đang có trào lưu của những cặp nghệ sĩ song ca. Hâu hết những bài hát lập kỷ lục số bán thời bấy giờ đều được ghi âm với hai giọng hát. Đó là trường hợp của Stone và Charden (L'avventura), Sheila và Ringo (Les gondoles à Venise), Sylvie và Johnny (J'ai un problème). Khai thác công thức này, Alain Barrière mới tưởng tượng ra một bài hát mà ông có thê ghi âm với một giọng ca nữ. Chỉ có điều là ong dự tính thực hiện điều này qua casting, trong khi các cặp nghệ sĩ kia ngoài đời đều là vợ chồng.

    Khi chấp bút sáng tác, Alain Barrière nghĩ tới một đôi tình nhân lần đầu tiên phải xa mặt cách lòng. Tuy thời gian chia tay chẳng có bao lâu, nhưng đôi uyên ương lai quyến luyến u sầu, không nỡ rời xa nhau.  Sau nhiều tuần tìm kiếm nhung không thành công, Alain Barrière tình cờ khám phá giọng ca của Noëlle Cordier khi đi xem vở nhạc kịch « La Révolution française » nói về thời kỳ Cách mạng Pháp của Claude-Michel Schönberg và Raymond Jeannot, ra mắt khán giả Pháp từ năm 1973.

    Mặc dù nhạc sĩ (Jean-Claude Petit) chuyên hoà âm đang vắng mặt, nhưng Alain Barrière vẫn gấp rút vào phòng thu vào mùa hè năm 1974 để thực hiện bản song ca với Noëlle Cordier (phần phối khí được giao cho một nhạc sĩ mới là Gérard Salesses). Ngay vào lúc được phát hành, nhạc phẩm « Tu ten vas » đã thành công về mặt số bán, khởi đầu cho sự hợp tác dài lâu với nhóm sáng tác Sylvain Floirat và Olivier de Toussaint.

    Sau khi thành công trong tiếng Pháp, ban song ca này được phóng tác sang nhiều ngôn ngữ, trong đó có tiếng Đức, Hà Lan, Hungary, Thụy Điển, Phần Lan, Tây Ban Nha hay Bồ Đào Nha. Trong tiếng Anh, bài hát trở thành nhạc phẩm  « If You Go »  (do John Colston đặt lời) và ăn khách trong cả hai thứ tiếng. Còn trong tiếng Việt, bài này được tác giả Phạm Duy phóng tác thành nhạc phẩm « Người lìa xa » do Ngọc Lan và Elvis Phương cùng ghi âm. Trong lối hoà âm, có cách sử dụng tài tình tiếng đàn mộc cầm, dùng những nốt nhạc « dính liền » để thể hiện bao nỗi niềm quyến luyến : Chỉ vắng nhau vài ngày, mà cứ ngỡ tháng năm. Trôi chậm từng phút giây, ban mai phai nhạt nắng. Có xa nhau mới thấy, ngậm ngùi lúc chia tay. Mong yêu thương tràn đầy, tình hãy sớm về đây.

    14 December 2024, 1:09 pm
  • 9 minutes 2 seconds
    Khi màn đêm xuống, phiên bản Black is black của Chimène Badi

    La voix et l'âme (Giọng ca và tâm hồn) là tựa đề album phòng thu thứ 9 của Chimène Badi và đồng thời là phần kế tiếp của Gospel & Soul, album được Chimène ghi âm cách đây hơn một thập niên, dành riêng cho hai dòng nhạc sở trường của nữ ca sĩ người Pháp là phúc âm và soul.

    Xen kẽ một vài sáng tác mới (nhạc phẩm Je serai là của Ycare) với nhiều bản cover nổi tiếng, album La voix et l'âme (Giọng ca và tâm hồn) có thể được xem như tập nhì của Gospel & Soul. Lần này, Chimène Badi cũng khoác áo mới cho những bài hát từng vang bóng một thời, thế nhưng ban đầu những bản nhạc này lại được sáng tác cho một thể loại khác. Đó là trường hợp của bài I wish của Stevie Wonder hay Man in the mirror của Michael Jackson được viết theo phong cách pop soul. Ngược lại, bản nhạc Le ballet của Céline Dion hay Noir c'est noir, từng ăn khách qua giọng ca của Johnny Hallyday không hề thuộc vào dòng nhạc soul hay phúc âm. Album này cho thấy Chimène Badi đang nối lại với đam mê đầy đời, sau khi thành công trong năm qua với tuyển tập kỷ niệm 60 năm ngày giỗ của Édith Piaf.

    Noir c'est noir, trong nguyên tác là giai điệu Black is black, từng lập kỷ lục số bán vào giữa những năm 1960, với thời gian đã trở nên một bản nhạc rock kinh điển. Khi nhắc đến dòng nhạc rock của thập niên 1960, tên tuổi của nhóm Los Bravos vẫn còn xa lạ đối với giới yêu nhạc. So với các nhóm cùng thời như The Byrds, Moody Blues hay Fletwood Mac, ban nhạc Los Bravos tuy không phải là nhóm tiên phong, nhưng lại đóng góp một số bài hát quan trọng vào phong trào sáng tác nhạc rock thập niên 60, những giai điệu tưởng chừng rơi vào quên lãng, nhưng lại trường tồn với thời gian.

    Đối với Los Bravos, cuộc phiêu lưu bắt đầu vào năm 1965 tại thủ dô Madrid khi các nhạc sĩ của hai nhóm nhạc pop là Los Sonor và The Runaways quyết định hợp sức sáng tác và cùng đi biểu diễn với nhau. Vào thời bấy giờ, xã hội Tây Ban Nha vẫn còn đang sống dưới chế độ toàn trị của tướng Franco, và cho dù chế độ này bắt đầu nới lỏng kiểm soát thì một nhóm nhạc rock Tây Ban Nha vẫn ít có cơ hội bứt phá vươn lên để chinh phục thị trường quốc tế. Nhóm Los Bravos có một điểm đặc biệt : ngoài việc ghi âm toàn bằng tiếng Anh, nhóm này còn có một thành viên người Anh và ca sĩ chính của nhóm là Mike Kogel, người Đức. Điều này tạo cơ hội cho nhóm đi biểu diễn khắp châu Âu, khi Los Bravos phát hành album phòng thu đầu tiên của họ, mang tựa đề Black Is Black vào mùa hè năm 1966.

    Bản nhạc mở đầu album Black is black và cũng là trích đoạn đầu tiên được phát hành trên đĩa nhựa, đưa họ lên tầm cao trên thi trường quốc tế. Bản nhạc rock này, chẳng những phản ánh thời đại của mình, mà còn trở thành một tác phẩm kinh điển theo đúng nghĩa của từ. Nhạc  phẩm Black Is Black giành lấy hạng nhất ở Canada, hạng nhì Vương quốc Anh, hạng ba tại Úc và hạng tư tại Mỹ. Riêng trên hai thị trường Đức và Tây Ban Nha, bài hát lập kỷ lục số bán với hơn hai triệu bản chỉ trong vài tháng. Thành công này vượt qua sức tưởng tượng của mọi người, ngay cảcác thành viên trong nhóm cũng không thể ngờ rằng, album đầu tay của họ lại ăn khách đến như vậy. Phải công nhận rằng giai điệu bài hát khá giản dị, điệp khúc dễ nhớ, khiến người nghe dễ bị lôi cuốn ngay.

    Nhạc phẩm Black is black sau đó đã có hàng trăm phiên bản ghi âm trong 12 thứ tiếng. Trong tiếng Pháp, tác giả George Aber dịch bản này khá gần sát với nguyên tác thành bài hát Noir c'est Noir (Chỉ toàn màu đen) do Johnny Hallyday ghi âm vào mùa thu năm 1966. Vào thời bấy giờ, Johnny bị xuống tinh thân, chán nản mệt mỏi do áp lực quá lớn trong công việc, còn về mặt đời tư, anh luôn bị giới phong viên nhiếp ảnh săn lùng sau khi anh thành hôn với Sylvie Vartan. Sau 6 tháng vắng mặt sân khấu, bản nhạc Noir c'est Noir (Chỉ toàn màu đen) giúp Johnny trở lại trên tôt đỉnh, chinh phục thị trường các nước nói tiếng Pháp. Phiên bản của Chimène Badi cũng dũng mãnh không kém gì bài hát của Johnny.  

    Trong tiếng Việt nhạc phẩm Black is black (Noir c’est noir) từng được tác giả Chí Tài phóng tác thành giai điệu Khi màn đêm xuống do các nghệ sĩ Châu Ngọc, Phi Phi  hay Nguyễn Hưng trình bày, cho dù ca từ tiếng Việt trong cách dung ẩn dụ và uyển ngữ không quá đỗi u buồn tuyệt vọng như trong lời bài hát tiếng Pháp Noir c'est noir : Phải chăng đã muộn rồi, khi tình đầu gian dối. Xưa chưa hết niềm vui, nay lại sầu chia phôi. Đành  bội hứa trọn đời, đen một màu tăm tối.  

    7 December 2024, 2:48 pm
  • 9 minutes 11 seconds
    Nhạc ngoại lời Việt : Những lời mê hoặc, phiên bản của Julien Doré với Sharon Stone

    « Imposteur » (Kẻ mạo danh) là tựa đề album phòng thu thứ sáu của Julien Doré. Lần này, nam ca sĩ trở lại với những bài hát cover hầu như 100% của Pháp, được xem như là sở trường của anh, kể từ khi Julien Doré thành danh trên sân khấu nhạc Pháp, cách đây gần hai thập niên.

    Vào năm 2007, nam ca sĩ Julien Doré đã đoạt được giải nhất cuộc thi hát truyền hình Nouvelle Star (phiên bản tiếng Pháp của American Idol), anh trở nên nổi tiếng nhờ nhạc phẩm « Moi, Lolita » (nguyên tác của Alizée). Khi hát bài này, nam ca sĩ đã đeo một chiếc kẹp tóc (như thể anh đang đóng vai một cô gái ngỗ nghịch lém lỉnh), kỷ niệm này đã in sâu vào tâm trí của khán giả Pháp, biểu tượng của chiếc kẹp tóc màu vàng vì thế được chọn làm hình bìa của tập nhạc cover của Julien Doré.

    Album « Imposteur » (Kẻ mạo danh) gồm 17 ca khúc chọn lọc. Phiên bản cao cấp deluxe có thêm hai bản nhạc bổ sung. Đó là giai điệu « Fais moi une place » để tưởng nhớ Françoise Hardy, đã qua đời trong năm 2024, cùng với « Elle est d'ailleurs » (Em xa nghin trùng) của Pierre Bachelet, mà làng nhạc Pháp chuẩn bị kỷ niệm 20 năm ngày giỗ trong năm tới.

    Khi ghi âm lại các bài hát ăn khách của nhiều nghệ sĩ khác, Julien Doré thường thay đổi lối tiếp cận, đem lại sự hóm hỉnh của mình, tạo thêm nhiều điệu bộ phong cách, cho dù bài hát sau đó có trở thành một tiết mục biểu diễn trên sân khấu hay không. Trên đĩa hát này, có sự góp mặt của nhóm L5 trong video clip « Toutes les femmes de ta vie » và ba bản song ca với Sharon Stone, Francis Cabrel và Hélène Ségara, vốn đã từng ghi âm trước đây nhạc phẩm « Sara perché Ti Amo »,  trên album « Amaretti » của cô, phát hành vào năm 2016.

    Trên tuyển tập album gồm các bản ghi âm lại, Julien Doré dành một vị trí quan trọng cho dòng nhạc Pháp nói chung, nhạc pop những năm 1980 nói riêng, tiêu biểu qua những giai điệu nổi tiếng như « Les démons de minuit » của nhóm Images, « Les Sunlights des Tropiques » của Gilbert Montaigné và nhất là « Mourir sur scène » (Chết trên sân khấu) của Dalida.

    Cách đây gần hai thập niên, giới yêu nhạc cũng đã khám phá giọng ca của Julien Doré qua bản cover « Chết trên sân khấu », nhân vòng chung kết cuộc thi hát truyền hình Nouvelle Star. Ở đây một lần nữa, người hâm mộ tìm lại kỷ niệm khó quên của buổi biểu diễn vào năm 2007, trên album mới của mình Julien Doré ghi âm lại bài hát « Mourir sur scène » với một bản phối mới.

    Một bản nhạc ăn khách khác của Dalida cũng thu hút được nhiều sự quan tâm trong album thứ 6 của Julien. Khi ghi âm lại nhạc phẩm « Paroles Paroles » từng được tác giả Pham Duy phóng tác sang tiếng Việt thành nhạc phẩm « Những lời mê hoặc », nam ca sĩ đã đảo ngược phần đối đáp. Lời ca trước đây của Dalida sẽ do anh trình bày. Còn phần thoại của thần tượng điện ảnh Alain Delon lại được dành cho ngôi sao màn bạc Mỹ Sharon Stone. Ý tưởng của bản song ca này đã được giữ kín trong nhiều tháng qua.

    Theo lời kể của Julien Doré, anh đã gặp ngôi sao màn bạc Sharon Stone tại liên hoan điện ảnh Cannes cách đây vài năm. Sharon Stone đến Cannes để tổ chức các đêm dạ hội gây quỹ từ thiện. Còn Julien Doré thì được mời biểu diễn trong buổi tiệc bế mạc. Hai nghệ sĩ trò chuyện làm quen với nhau, nhưng không nghĩ là họ có dịp gặp lại. Cho đến một ngày kia, Julien liên lạc với Sharon qua mạng xã hội và ngỏ ý mời Sharon hợp tác để ghi âm bản nhạc « Paroles Paroles « (Những lời mê hoặc), điều mà Sharon Stone đã nhận lời ngay.

    Trung thành với phong cách hóm hỉnh khôi hài (Julien cố tình hát lệch nhip, hát sai một số nốt nhạc) nhưng anh vẫn tạo được những khoảnh khắc nhẹ nhàng duyên dáng trong tác phẩm. Julien Doré thử kết nối dư âm của ký ức với những khoảnh khắc hiện tại, chính cũng vì con tim luôn nhớ nhung khắc khoải, cho nên trong tâm hồn u hoài, kỷ niệm buồn vẫn chưa nhạt phai.

    30 November 2024, 8:41 am
  • 9 minutes 2 seconds
    Nhạc ngoại lời Việt : Elvis Presley, « Người còn cô đơn tối nay »

    Trong số các bản tình ca của Elvis Presley, nhạc phẩm « Are you lonesome tonight » có lẽ là giai điệu buồn và đẹp nhất. Vào đầu những năm 1960, sau hai năm thi hành nghĩa vụ quân sự, nam danh ca Elvis đã ghi âm lại bài hát này theo gợi ý của nhà quản lý Colonel Parker, đơn giản là vì vợ ông (bà Marie Mott) rất thích nghe bản nhạc này (phiên bản của Al Jolson), từng ăn khách nhiều năm trước đó

     

    Mặc dù đã được hoàn tất vào mùa xuân năm 1960, nhưng bản ghi âm « Are You Lonesome Tonight » của Elvis Presley lại bị hãng đĩa RCA « cầm chân », trì hoãn thời điểm phát hành đến hơn 6 tháng. Chủ yếu cũng vì ban giám đốc điều hành thời bấy giờ nghĩ rằng bản ballad này không phù hợp với hình ảnh và phong cách của Elvis, họ muốn anh hát nhạc rock để thu hút giới trẻ thay vì hát nhạc tình theo kiểu crooner, hợp hơn với lứa tuổi trung niên.

    Bất ngờ thay, khi được phát hành vào tháng 11 năm 1960, bài hát này thành công ngay lập tức trên thị trường Mỹ, đứng đầu bảng xếp hạng nhạc pop của Billboard, về hạng ba trong hạng mục R&B. Một tháng sau khi chinh phục Hoa Kỳ giai điệu này lại giành luôn ngôi vị quán quân tại vương quốc Anh và hạng đầu thị trường châu Âu.

    Có thể nói là « Are You Lonesome Tonight » là một bản nhạc xưa. Được nhóm sáng tác Tin Pan Alley (gồm các nhạc sĩ Roy Turk và Lou Handman) viết vào năm 1926, bản nhạc này đã thành công vang dội lần đầu tiên vào năm 1927 với bản ghi âm của Charles Hart. Hai thập niên sau, bài hát « Are You Lonesome Tonight » ăn khách một lần nữa với Harry Freidman, ca sĩ chính của dàn nhạc Blue Barron và nhất là phiên bản của nam danh ca Al Jolson, với giọng đọc khá truyền cảm thay vì giọng hát ở trong đoạn giữa.

    Khi cover lại bài hát này, Elvis có lẽ đã muốn chiều ý nhà quản lý của anh là Colonel Parker. Lúc đầu, ông chỉ yêu cầu anh hát thử, nếu không thích thì không cần phải thu thanh, nào ngờ lối hát thần sầu của Elvis lại nâng bản nhạc này lên một tầm cao mới, có phần vượt trội so với các phiên bản trước. Đoạn khó nhất đối với Elvis là phần độc thoại khi anh mô tả mối tình như một vở kịch ba màn, yêu nhau trong màn đầu, bẽ bàng khổ đau trong màn hai, để rồi chia tay nhau trong màn cuối. Khi vở kịch buông màn, cũng là lúc tình yêu đã đi vào hồi kết, sân khấu cô đơn trống rỗng để lại trong màn đêm một dấu chấm hết. Tuy không phải là sở trường so với giọng hát, nhưng giọng nói của Elvis trong phần thoại lại đầy sức thuyết phục.

    Ông hoàng Elvis đã ghi âm bản nhạc này tại Studio B ở Nashville vào đầu tháng 04/1960. Tuy nổi tiếng là một ca sĩ nhạc rock, nhưng vào thời bất giờ anh đang chuyển sang ghi âm những bài hát xưa, điển hình là bài hát rất ăn khách của anh trước đó « It's Now Or Never » được phóng tác từ giai điệu « O Sole Mio », và sau đó đến bài « Surender » (Torna a Surriento/Trở về mái nhà xưa trong tiếng Việt) cũng như bài « No more », chuyển thể từ « La Paloma », khúc đàn Tây Ban Nha nổi tiếng trong làng nhạc cổ điển.

    Bản thân danh ca Elvis thích sự chuyển hướng này trong sự nghiệp của mình, xem đó là cơ hội để mở rộng tầm nhìn, thử hát nhiều thể loại âm nhạc khác nhau. Điều mà ban giám đốc điều hành hãng đĩa RCA lo ngại, rốt cuộc đã không xảy ra. Dù bị dời lại hơn nửa năm, nhưng đến khi được phát hành, « Are You Lonesome Tonight » lại giúp cho Elvis chinh phục được thêm nhiều thành phần người hâm mộ mới (thế hệ trên 35 tuổi), mà vẫn giữ lại hầu hết những người yêu mến chất giọng của Elvis (chủ yếu là giới trẻ) luôn trung thành với giọng ca này từ lúc anh mới vào nghề.

    Cũng như bài hát « Will you still love me tomorrow » (Mai có còn yêu em) của Carole King đã cho ra đời nhiều bản nhạc hồi âm như « Tomorrow & Always  » (Yêu đến ngàn sau), phiên bản của Elvis « Are You Lonesome Tonight » sau khi thành công, đã có ít nhất 5 ca khúc đối đáp của những giọng ca nữ khác nhau được tung ra thị trường. Đó là trường hợp của Dodie Stevens, Linda Lee, Ricky Page, Thelma Carpenter và Jeanne Black.

    Các giọng ca nữ này đã hồi âm Elvis khi cho phát hành nhạc phẩm mang tựa đề « Yes, I'm lonesome tonight » (Vâng em cô đơn đêm nay) giữ nguyên giai điệu nhưng thay đổi lời hát. Ngoài ra, cũng có một bài hát thứ nhì với góc nhìn khác mang tên là « Oh, how I miss you tonight » (Đêm nay sao quá nhớ anh).

    Tuy được đề cử đi tranh giải Grammy trong hạng mục bản ghi âm xuất sắc nhất, nhưng bài hát của Elvis rốt cuộc lại nhường hạng đầu cho nhạc phẩm « Georgia On My Mind » của Ray Charles. Dù vậy bài hát này lại rất thành công trên thị trường và sau Elvis, đến phiên nhiều nghệ sĩ quốc tế ghi âm lại bài này như Frank Sinatra, Connie Francis, Doris Day, Bobby Solo …

    Gần một thế kỷ sau ngày ra đời, giai điệu « Are You Lonesome Tonight » tính đến nay đã có gần cả ngàn phiên bản trong 16 thứ tiếng. Trong tiếng Việt, bài này có nhiều lời khác nhau. Lời đầu tiên « Tình bơ vơ » của tác giả Trầm Tử Thiêng do Elvis Phương ghi âm. Lời thứ nhì « Đêm Buồn » của tác giả Nguyễn Hoàng Đô qua phần trình bày của các nghệ sĩ Thanh Duyên hay Quỳnh Dao, lời thứ ba « Em còn cô đơn tối nay » được nhiều nguồn ghi chép là do Trung Hành tự đặt lời và ghi âm.

    « Are You Lonesome Tonight » là một trong những bài hát buồn và đẹp nhất từng được viết. Theo bảng xếp hạng (năm 2008) của tạp chí Billboard, bản nhạc này đứng hạng thứ 81 trên danh sách 100 bài hát hay nhất mọi thời đại. Tưởng chừng nhân vật trong bài hát thầm hỏi người yêu, nhưng thực ra lại tự hỏi lòng : có ai nào ngờ đâu, tấn trò đời sân khấu. Yêu ngay từ lúc đầu, trao ánh mắt cho nhau. Nhưng không hiểu vì sao, tình lạc lối đêm thâu. Cho cô đơn buông màn, tim ngập tràn nỗi đau.

    23 November 2024, 9:23 am
  • 9 minutes 9 seconds
    Samba Mambo và tuyển tập mới của France Gall

    « Plus Haut »  (Cao hơn) là tựa đề tuyển tập các ca khúc chọn lọc của France Gall được phát hành mùa thu năm nay. Sáu năm sau ngày qua đời, France Gall đã để lại một khoảng trống đáng kể, vì sau cô ít có nghệ sĩ nào có thể diễn đạt thật có hồn các sáng tác của Michel Berger. Tuyển tập này được phát hành vào dịp kỷ niệm ngày hai nghệ sĩ này gặp nhau năm 1974, tức cách đây vừa đúng 50 năm.

    Được trình làng vào trung tuần tháng 11/2024, tuyển tập chọn lọc gồm hai ấn phẩm. Phiên bản phổ thông gồm 18 bản nhạc ghi âm trong giai đoạn từ năm 1974 đến 1996. Phiên bản cao cấp (deluxe) là một bộ đĩa gồm tổng cộng 57 bài hát, ngoài những bản nhạc kinh điển, còn có vài bài song ca trên sân khấu với các nghệ sĩ như Johnny Hallyday, Michel Berger hay Daniel Balavoine, thời nam ca sĩ ghi âm nhạc phẩm « S.o.s d'un terien en détresse » (Lời kêu cứu của kẻ tuyệt vọng khốn cùng) cho vở nhạc kịch Starmania.

    Giới hâm mộ có thể vui mừng, vì trên tuyển tập (best of) lần này, có một bài hát chưa từng được phát hành trên băng đĩa. Đó là nhạc phẩm « La Prisonnière » (Tù nhân) được ghi âm lần đầu tiên vào năm 1974, trong khuôn khổ dự án thực hiện một vở nhạc kịch mang tựa đề Angelina Dumas do Michel Berger sáng tác. Dự án này rốt cuộc sẽ không bao giờ được hoàn thành. Một số tác phẩm ghi âm vào thời ấy, mãi đến bây giờ mới được tiết lộ cho công chúng, chẳng hạn như các nhạc phẩm « Mais aime-la, À votre avis hay  La Prisonnière » …..

    Năm 1974 là cột mốc quan trọng cho hai nghệ sĩ France Gall và Michel Berger. Hai người thành hôn một năm sau ngày gặp nhau, mở ra một quan hệ hợp tác bền vững, dài lâu trong gần hai thập niên liền. Không phải ngẫu nhiên mà bài hát đầu tiên Michel Berger viết cho vợ mang tựa đề là « La Déclaration » (Lời tỏ tình). Còn album đầu tiên đánh dấu sự hợp tác giữa cặp vợ chồng nghệ sĩ này bao gồm nhiều bài hát ăn khách, trong đó có các nhạc phẩm như « Calypso » hay « Samba Mambo ». Nhưng tuyển tập vừa được phát hành lại không có những bài hát do France Gall ghi âm trong giai đoạn đầu tiên trong sự nghiệp của mình.

    Có thể nói năm 1974 mở ra giai đoạn sự nghiệp thứ nhì của nữ danh ca với hàng loạt thành công vang dội và nhiều kỷ lục mới. Thật vậy, sự nghiệp của France Gall bắt đầu rất sớm, vào năm 1964, tức từ một thập niên trước đó. Khá nhiều tác giả trong đó có Serge Gainsbourg đã soạn nhạc cho cô, giai đoạn huy hoàng là vào năm 1965, khi France Gall đoạt giải nhất cuộc thi hát truyền hình châu Âu Eurovision với nhạc phẩm « Poupée de cire, poupée de son » (tựa đề bản phóng tác  tiếng Việt là Búp bê không tình yêu).

    Đầu thập niên 1960 dánh đấu sự trỗi dậy của làn sóng mới bossa nova, nhưng do France Gall đang theo phong trào nhạc trẻ (yéyé), cho nên những bản ghi âm của cô không hề có một chút ảnh hưởng nào của dòng nhạc La Tinh hoặc âm nhạc Brazil. Bản nhạc « Samba Mambo » phần nào gợi hứng từ nhạc phẩm « Le Jazz et là Java » của Claude Nougaro, ít ra trong lối dùng ca từ. Trong bài hát của Claude Nougaro, điệu java nhường chỗ lại cho nhạc jazz. Còn nơi Michel Berger, nhịp mambo lại thay thế cho điệu samba.

    Tuy không được chọn làm ca khúc chủ đạo để quảng bá cho album, bài hát Samba Mambo chỉ được phát hành trên mặt B của đĩa nhựa 45 vòng, nhưng rốt cuộc nhạc phẩm này lại được khai thác nhiều trên các làn sóng phát thanh và được công chúng Pháp hưởng ứng nhiệt tình, nhiều hơn cả mặt A là bản nhạc « Comment lui dire ».

    Sau khi thành công, vũ khúc tình nồng Samba Mamno sẽ có thêm lời tiếng Anh, tiếng Hung và Phần Lan. Còn trong tiếng Việt, bài này có khá nhiều lời khác nhau, ca từ hay tựa đề đôi khi có khác biệt đôi chút Vũ khúc Samba hay Tình nồng Mambo, nhưng vẫn giữ nguyên hai từ khóa quan trọng như trong bản nguyên tác. Có rất nhiều nghệ sĩ ghi âm lại bài này như Thanh Lan, Ngọc Lan, Julie Quang, Don Hồ và gần đây hơn nữa là lời Việt của Ngọc Phú.

    Album đầu tiên hợp tác với Michel Berger trước khi hai nghệ sĩ này thành hôn với nhau lại là album phòng thu thứ 8 của France Gall. Tác giả Michel Berger đã giúp France Gall thay đổi hoàn toàn hình ảnh và phong cách, trở thành một nghệ sĩ thực thụ, với một thế giới âm nhạc riêng không thể nhầm lẫn với ai khác. Giống như cách dùng phản ngữ : câu chữ thể hiện những điều khác hẳn với suy nghĩ, bản ghi âm của France Gall không phải là mambo mà cũng chẳng là samba, cho dù không nói thẳng ra nhưng rốt cuộc lại có nét quyến rũ kỳ lạ nhờ nhịp điệu cha cha.

     

     

    16 November 2024, 10:12 am
  • 9 minutes 10 seconds
    Nhạc ngoại lời Việt : Ai đã viết bản tình ca Boulevard ?

    Trong số những tình khúc nổi tiếng, có từ thập niên 1980, nhạc phẩm « Boulevard » có lẽ thuộc vào hàng giai điệu khó quên nhất. Ngược lại, đa số người hâm mộ thường hay hát lại bài này nhưng ít khi nào biết tác giả là ai. Bản nhạc « Boulevard » từng được phóng tác nhiều lần sang tiếng Việt, phiên bản quen thuộc nhất là của nữ danh ca Ngọc Lan với tựa đề « Con đường tình ».

    Làng nhạc chuyên nghiệp dùng thuật ngữ « one-hit wonder » (chỉ một lần nổi tiếng) để chỉ những nghệ sĩ có tên tuổi gắn liền với một bài hát ăn khách duy nhất. Đôi khi, người nghệ sĩ lập được thành tích chỉ có một lần tại một nước cụ thể, nhưng lại khá thành công ở nhiều quốc gia khác. Ca sĩ kiêm tác giả Dan Byrd thuộc vào diện này, tên tuổi của anh luôn đi đôi với nhạc phẩm « Boulevard », rất thịnh hành ở châu Á, nhưng tên tuổi của anh vẫn còn xa lạ đối với công chúng Âu – Mỹ.

    Thật khó mà tìm thấy các thông tin trên mạng về Dan Byrd, cho dù ca sĩ kiêm tác giả này đã ra đi quá sớm vì bạo bệnh. Anh qua đời vào năm 2005, chỉ mới 52 tuổi. Sinh ngày 25/05/1953 tại Anvers, miền bắc nước Bỉ, Dan Byrd tên thật là Daniel Fogel. Thời sinh viên anh là ca sĩ chính của nhóm nhạc nghiệp dư « Hassidic Blues Orchestra ».

    Theo lời kể của ông William Lip, một trong những thành viên của nhóm, thì ban nhạc chuyên đi biểu diễn trong các quán bar hay các liên hoan địa phương tại Bỉ vào những ngày cuối tuần. Hầu hết các thành viên ban nhạc thời bấy giờ đều là sinh viên. Sau khi tốt nghiệp họ hành nghề kỹ sư, nha sĩ hay doanh nhân. Bản thân ông William Lip trở thành bác sĩ nhi khoa tại Bỉ (Anvers và Bruxelles) và tiếp tục soạn nhạc ghi âm, đăng trên Youtube những bài hát chủ yếu để giải trí. Riêng nam ca sĩ Dan Byrd mới chọn con đường sáng tác biểu diễn chuyên nghiệp, để rồi trở nên nổi tiếng vùng Viễn Đông, nhất là tại các nước châu Á.

    Trong hệ ngôn ngữ Đức, Fogel có nghĩa là cánh chim và có nhiều cách viết khác nhau đôi chút là Vogel hay De Vogel tùy theo các vùng miền sử dụng tiếng Đức hay tiếng Hà Lan. Chuyển sang tiếng Pháp, chữ Fogel/Vogel có tên họ tương đương là Loiseau, còn trong tiếng Anh, danh hiệu này trở thành Bird hoặc Byrd, đó là lý do vì sao khi vào nghề Daniel Fogel đã chọn nghệ danh là Dan Byrd.

    Một cách chính thức, sự nghiệp ca hát của Dan Byrd kéo dài trong 5 năm, từ năm 1982 đến 1987, thời anh có ký hợp đồng ghi âm với các hãng đĩa chuyên nghiệp. Album phòng thu đầu tiên của anh (phát hành vào năm 1982) với tựa đề « Stay » được hãng đĩa Polydor phân phối ngoài châu Âu tại Singapore, Malaysia, Hồng Kông và sau đó là tại Nhật Bản.

    Sau đó, anh cho ra mắt thêm hai album nữa là « From heart to heart » năm 1985 và « Jennifer » vào năm 1987 với hãng đĩa Ace Records. Trong 5 năm sự nghiệp, Dan Byrd đã khá thành công tại châu Á với các sáng tác của mình như « Summer Nights, Stay, BeBop, Sayonara », nhưng nhạc phẩm « Boulevard » mới thực sự là bài hát được nghe nhiều nhất và được hầu như mọi người hâm mộ luôn nhắc tên. Sau khi Daniel Fogel/ Dan Byrd qua đời vào năm 2005, những bài hát này và đặc biệt là « Boulevard » lại càng thành công ở châu Á, hàng loạt phiên bản cover trên YouTube giúp cho giai điệu gây thêm nhiều tiếng vang trên thế giới.

    « Boulevard » nổi lên như một bản ballad nhẹ nhàng sâu lắng, chiếm trọn trái tim người nghe với giai điệu u sầu. Nội dung bài hát nói về sự mất mát trong tình yêu và những đau thương trong cuộc đời. Sức hấp dẫn của giai điệu tạo thêm chiều sâu trong cảm xúc, chủ đề phổ quát khiến người nghe dù ở thời nào cũng dễ bắt gặp mình. Bài hát có lối phối khí đơn giản nhưng lôi cuốn, cùng phần diễn đạt mộc mạc chân thành của Dan Byrd giúp cho bản « Boulevard » chinh phục thêm nhiều thính giả.

    Được khá nhiều nghệ sĩ cover lại trong nhiều năm qua, bài hát đã trở thành một tác phẩm kinh điển theo đúng nghĩa của từ. Nổi tiếng là bản nhạc duy nhất này làm nên tên tuổi của Dan Byrd, « Boulevard » tiếp tục gây thêm tiếng vang thời nay, khi thế hệ trẻ bây giờ mới khám phá nhạc phẩm. Cho dù không có nhiều thông tin về sự nghiệp của Dan Byrd từ năm 1987 cho tới ngày anh qua đời, « Boulevard » trở thành một trong những giai điệu đáng ghi nhớ nhất của thập niên 1980.

    Khi được phóng tác sang tiếng Việt, giai điệu « Boulevard » có nhiều lời khác nhau. Lời đầu tiên với tựa đề là « Con đường tình » do nữ danh ca Ngọc Lan tự đặt lời và ghi âm. Lời thứ nhì là nhạc phẩm « Con tim buồn » của tác giả Nhật Ngân, do Tuấn Ngọc trình bày. Lời thứ ba dựa theo hình tượng của Boulevard là « Đại lộ tình yêu », do Khúc Lan chuyển ngữ và Don Hồ ghi âm. Bản phóng tác thứ tư « Con đường ta chia tay » là của tác giả Nguyễn Hoàng Đô.

    Tuy không có duyên với ánh đèn sân khấu quê nhà lúc sinh thời, nhưng nam ca sĩ kiêm tác giả Dan Byrd vẫn để lại cho đời một khúc nhạc u sầu tuyệt diệu, một thoáng tâm hồn lắng sâu trong giai điệu !

    9 November 2024, 8:51 am
  • More Episodes? Get the App
© MoonFM 2025. All rights reserved.